Bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ
Năm 2018, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 223 nhiệm vụ; Bộ đã hoàn thành 190 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 33 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành và các cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương giải quyết nhiều vấn đề pháp lý phát sinh trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng. Theo công bố của Bộ Nội vụ (tháng 5/2018), Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tăng 2 bậc, xếp thứ 4/19 bộ, ngành được đánh giá. Bộ Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo việc rà soát, đề xuất cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh với tổng số 49/94 điều kiện kinh doanh dự kiến sẽ được cắt giảm, đạt 52,13%.
Bên cạnh đó, chất lượng hồ sơ các dự án luật, pháp lệnh và chất lượng công tác thẩm định có nhiều cải thiện; nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với năm trước. Công tác thi hành án dân sự tiếp tục đạt kết quả cao, thi hành án hành chính dần đi vào nền nếp. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đang phát triển khá nhanh; đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các địa phương liên quan hướng dẫn việc lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, hồ sơ đăng ký khai sinh, kết hôn cho người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong danh sách đã được phê duyệt hiện cư trú tại các tỉnh biên giới với Lào. Chủ tịch nước đã ký Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 139 trường hợp. Tháng 12/2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 119 trường hợp cư trú tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Việc cho phép người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú được nhập quốc tịch Việt Nam thể hiện tinh thần nhân văn, thái độ thực hiện nghiêm cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Nêu cao trách nhiệm trong xây dựng, thẩm định văn bản
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: Những kết quả đạt được của Bộ, ngành Tư pháp năm 2018 đã góp phần vào việc tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, kỷ cương xã hội.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Năm 2019 là năm “bứt phá”, có ý nghĩa quyết định trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng là năm chuẩn bị cho nhiều nhiệm vụ mang tính chiến lược trong giai đoạn sau năm 2020. Trong bối cảnh đó, Bộ, ngành Tư pháp sẽ phải đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng và phức tạp hơn từ công việc xây dựng, hoàn thiện thể chế đến công tác tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Toàn ngành Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng; tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành tư pháp, gắn với định hướng, mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; chủ động, kịp thời phản ứng chính sách đối với những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đời sống xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Toàn ngành sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó chú trọng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản pháp luật, bảo đảm tính ổn định, khả thi của văn bản, cẩn trọng trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Ngành Tư pháp nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp và pháp chế; tập trung vào những lĩnh vực trực tiếp gắn liền với người dân, doanh nghiệp như thi hành án dân sự, hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường Nhà nước, trợ giúp pháp lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật…