Làm gì để đầu tư vào 3 đặc khu kinh tế không là 'canh bạc lớn’?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đầu tư vào 3 đặc khu kinh tế là sự “đặt cược” lớn. Vì tỉ lệ các đặc khu kinh tế trên thế giới thất bại nhiều hơn thành công. Do vậy, thành công phụ thuộc vào năng lực quản lý của Việt Nam.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, chủ trương đầu tư 3 đặc khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong của Việt Nam không sai, ví dụ như các chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đường Cao Tốc Bắc – Nam… cũng vậy. Nhưng vấn đề của Việt Nam là có khả năng thực hiện không? Có khả năng quản lý để dự án đó thành công không?.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Việt Nam phải đầu tư khoảng 1,1 - 1,4 triệu tỷ đồng cho 3 đặc khu này. Mỗi đặc khu được đầu tư 400.000 – 500.000 tỷ đồng. Đặc khu như Phú Quốc được đầu tư 800.000 tỷ đồng, nhà nước phải gánh một phần, còn lại là đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân nếu xử lý không tốt, dễ dẫn đến khiếu kiện sau này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phát biểu sáng nay tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: H.V

Có chuyên gia cho rằng, đầu tư vào 3 đặc khu kinh tế là sự “đặt cược” lớn. Vì tỉ lệ các đặc khu kinh tế trên thế giới thất bại nhiều hơn thành công. Do vậy, thành công phụ thuộc vào năng lực quản lý của Việt Nam. Bởi vì, Việt Nam phải xử lý vấn đề nguồn vốn, các thế lực tài chính và các quan hệ chính trị với nước ngoài, các nhóm lợi ích trong nước. Xử lý các mối quan hệ này rất phức tạp, có thể làm "méo mó" đi các chủ trương đúng đắn ban đầu.

Nhân dân ở các vùng dự kiến là đặc khu này có phản ánh, người nước ngoài núp bóng người Việt Nam mua đất rất nhiều. Chúng ta đối phó bằng cách nào. Hay ví dụ, Phú Quốc là đảo, nên có 200 hải lý về đặc quyền kinh tế, các vùng có biển nếu cấp đất không khéo thì có thể bị chi phối, tạo ra những ý đồ không tốt, ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng. Việt Nam đã có chế tài gì để xử lý, ví dụ nhà đầu tư nói đã đầu tư cả tỷ USD thì chúng tôi không thể ngưng hoạt động được...
 
Thêm vào đó, hiện nay, một số dự án đang “đắp chiếu”,  các dự án này ở quy mô nhỏ. Nhưng nếu 3 đặc khu này được tính là các dự án thì đây là các dự án cực lớn, liên quan tới hàng trăm ngàn dân, các vùng rừng vàng biển bạc của Việt Nam, các di sản thiên nhiên phải bảo tồn. Chúng ta đã tính hết các yếu tố này chưa. Trên thế giới, có quốc gia đã phải trả giá cho các công việc này, nhiều nước đang phải sử dụng quyền lực mềm để xử lý.

Đối với 3 đặc khu này, nếu Việt Nam không hướng vào hình thành khu công nghệ cao, công nghệ 4.0, mà lại đi theo hướng Casino, thu hút đầu tư dễ dãi, thì sẽ dẫn tới tụt hậu. Vì hiện nay, trên thế giới, nước nào nắm được công nghệ cao, nước đó sẽ chi phối thế giới. Do vậy, đề nghị Chính phủ có chính sách điều chỉnh trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Cùng trong phiên họp sáng nay, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, mục tiêu của Việt Nam là làm bất cứ việc gì để đất nước phát triển nhanh, bất kể đó là đặc khu hay tiểu khu. Học tập cả những thất bại và thành công của các nước để có điều chỉnh phù hợp.

Hiện nay, việc phát triển các đặc khu vẫn đang lành mạnh, không thể lấy việc một số người đầu cơ đất để tạo áp lực cho chính quyền. Hiện nay 97% giao dịch đất tại các khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế không phải là đất ở, mà là đất nông nghiệp, đất rừng, không được chuyển đổi sang đất ở, đất sản xuất kinh doanh.

Thực tế, việc thành lập đặc khu đã được ghi trong hiến pháp năm 2013, điểm mới là lần đầu thực hiện và được triển khai cùng lúc tại 3 địa điểm. Điểm mới thứ 2 là mô hình tổ chức theo luật tổ chức chính quyền địa phương, theo hiến pháp, vừa có hội đồng nhân dân, vừa có chủ tịch, nhưng bộ máy hình thành theo nhu cầu của đặc khu, chứ không phải áp dụng theo mô hình của tỉnh hay trung ương.

Muốn đặc khu thành công thì chúng ta phải tìm được nhà đầu tư chiến lược và có chính sách phù hợp với yêu cầu của nhà đầu tư chiến lược. Yêu cầu quan trọng với rất cả các nhà đầu tư chiến lược là phải có thị trường, công nghệ, trình độ quản lý, sử dụng công nghệ đó.

H.V/Báo Tin tức
Sốt đất ở đặc khu kinh tế: Tỉnh táo để không dính bẫy bong bóng
Sốt đất ở đặc khu kinh tế: Tỉnh táo để không dính bẫy bong bóng

Ba địa điểm dự kiến sẽ trở thành đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt bao gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã xảy ra tình trạng "sốt" đất. Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khuyến cáo các nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo để không dính bẫy bong bóng bất động sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN