Đòn bẩy phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo
Đời sống người dân thôn Đắk Côn, xã biên giới Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đã khởi sắc hẳn lên. Đặc biệt, nhiều hộ nghèo đã có căn nhà kiên cố, có “tư liệu” sản xuất để phát triển kinh tế bền vững.
Hộ gia đình ông Đinh Đức Luấn (40 tuổi, dân tộc Tày) là một điển hình thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Trước đây, gia đình ông Luấn thuộc diện hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn thu đi làm thuê. Năm 2018, gia đình ông được Ngân hàng Chính sách xã hội Bù Gia Mập cho vay số tiền 40 triệu đồng thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để chăm sóc, cải tạo lại 1 ha vườn điều đã già cỗi. Một năm sau, gia đình ông tiếp tục được hỗ trợ khoan giếng, cấp một cặp giống bò sinh sản thuộc Chương trình thoát nghèo bền vững.
Trong thời gian đó, gia đình ông Luấn nhận thấy bò dễ nuôi thức ăn chủ yếu cỏ tươi sẵn nên mạnh dạn đề nghị và được Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở thôn xét vay thêm 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua thêm hai con bò. Ông chia sẻ: "Trước khi chưa có nguồn vốn vay ưu đãi, kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm. Không có nguồn vốn để phát triển kinh tế, chỉ dựa vào thu nhập đi làm thuê cạo mủ cao su, đi nhặt điều và nhiều việc khác nữa”.
Sau hơn 4 năm, đàn bò của gia đình ông Luấn đã lên đến 8 con, trong đó đã bán hai con để có tiền mua máy băm cỏ, chuối cho bò ăn. Số tiền bán bò giúp gia đình có thêm chi phí đầu tư vào chăm sóc vườn điều 1 ha, trồng xen cà phê, tiêu để tăng thu nhập chi tiêu sinh hoạt. “Cuộc sống gia đình tôi bây giờ đã khá hơn trước rồi. Nhờ nắm bắt cơ hội vay vốn từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình thoát nghèo và có cuộc sống ổn định”, ông Đinh Đức Luấn cho biết.
Hộ gia đình ông Điểu Thuân (dân tộc S’tiêng ở thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập) cũng là tấm gương nỗ lực thoát nghèo ở địa phương nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trước đây, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn do chưa biết cách canh tác. Thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào vườn điều ít ỏi và đi làm thuê. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, hiệu quả mang lại không cao. Thêm vào đó cây điều thường xuyên mất mùa do sâu bệnh, hạn hán...
Ông Điểu Thuân kể lại: “Trước kia, gia đình khó khăn lắm. Gia đình đã đi vay tiền ở ngoài ngân hàng với lãi suất cao để đầu tư vào vườn điều và lo chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, khi đến mùa thu hoạch, tiền thu được chỉ đủ để trả nợ. Mọi chi phí của gia đình phải tiếp tục vay mượn. Cuộc sống gia đình cuốn vào vòng xoáy vay rồi trả, trả rồi vay”.
Đầu năm 2020, qua buổi sinh hoạt tại Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở địa phương, gia đình ông Điểu Thuân được tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách và các quy định về vay vốn từ các chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau khi bình xét, ông đã được vay 50 triệu đồng, thời gian vay 60 tháng. Với số vốn trên, gia đình ông quyết định chặt 1,5 ha cây điều già lâu năm để trồng cây điều ghép và chăm sóc số điều già còn lại. Từ đó, cây trồng phát triển khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, năng suất cao hơn.
Hằng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông đã trả hết các khoản nợ vay ngoài, kinh tế ổn định và thoát nghèo bền vững. “Tôi cảm ơn Đảng, Chính phủ,cảm ơn Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho gia đình tôi có nguồn vốn để đầu tư vườn rẫy, xây công trình nước sạch, nhà vệ sinh… nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, nguồn vốn được đầu tư vào trồng trọt đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định hơn cho gia đình”, ông Thuân phấn khởi nói.
Phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi
Đánh giá 20 năm triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ theo Nghị định số 78, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bù Gia Mập Nguyễn Thị Thoa rất vui mừng khi nhiều hộ thụ hưởng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại huyện biên giới Bù Gia Mập đã thoát nghèo. Tín dụng chính sách đã giúp trên 10.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 1.592 lao động; hỗ trợ trên 4.529 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 15.042 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân; hộ trợ hộ nghèo sửa chữa, xây dựng được 570 căn nhà…
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bù Gia Mập Nguyễn Thị Thoa, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện biên giới từ 11,46% xuống 6,43% và đóng góp tích cực cùng với chính quyền huyện biên giới Bù Gia Mập nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nguồn vốn đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nguồn vốn còn ưu tiên hỗ trợ tích cực đến đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện biên giới.
“Tín dụng chính sách xã hội còn góp phần đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác có điều kiện sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng”, bà Nguyễn Thị Thoa cho biết.
Theo Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Lê Quang Oanh, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai tuyên truyền qua kênh các Hội đoàn thể từ cấp huyện đến cấp xã, cấp chi hội, tuyên truyền qua cổng thông tin điện tử của huyện… Đặc biệt, tại UBND các xã, Ngân hàng Chính sách xã hội đều niêm yết công khai các nội dung về tín dụng chính sách xã hội để nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.
Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện, hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.
Niềm vui thoát nghèo bền vững không chỉ ở người dân ở huyện biên giới Bù Gia Mập mà nhiều địa phương trong tỉnh Bình Phước. 20 năm triển khai, nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho 489.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; giúp 53.400 hộ thoát nghèo, 30.500 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 34.400 lao động; gần 42.000 học sinh sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập, xây dựng 3.700 căn nhà ở cho hộ nghèo, 202 căn nhà ở xã hội... Cùng với các chính sách giảm nghèo khác, tín dụng chính sách ưu đãi đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng giai đoạn, trong đó, giai đoạn 2011-2015 giảm từ 9,29% xuống còn 2,96%; giai đoạn 2016 - 2021 giảm từ 6,15% xuống còn 0,43%.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ theo Nghị định số 78 đã và đang hứa hẹn sẽ tiếp tục phục vụ hiệu quả hơn trong công tác giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Phước.