Với quan điểm như vậy, các nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị, chuyên gia về phụ nữ, gia đình và trẻ em cho rằng vấn đề chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em - thế hệ mầm xanh, chủ nhân tương lai của đất nước - cần được thể hiện tập trung, rõ ràng hơn trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII.
Tôn trọng, lắng nghe nhiều hơn tiếng nói của trẻ em
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, công tác trẻ em được Đảng, Nhà nước, mỗi gia đình và toàn xã hội rất quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật được ban hành, được các cấp, các ngành, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, việc bảo đảm và bảo vệ quyền trẻ em còn một số tồn tại, hạn chế.
Trong góp ý vào các Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa đã nêu ra một số hạn chế của công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay như tình trạng trẻ em từ 1 đến 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể xác hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình là tương đối phổ biến, trong đó có tính chất nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng vẫn tồn tại; vấn đề xâm hại trẻ em trong đó xâm hại tình dục chiếm đa số, nạn nhân đa số là trẻ em gái; nhận thức của gia đình, xã hội lắng nghe tiếng nói của trẻ em, để trẻ em được tham gia vào các hoạt động có liên quan đến trẻ theo quy định của pháp luật còn nhiều hạn chế…
Từ những hạn chế trên, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam mong muốn Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng cần thể hiện rõ hơn, tập trung hơn quan điểm chỉ đạo để các quyền, tiếng nói của trẻ em thực sự được tôn trọng.
"Chúng ta đều biết phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người là chủ trương rất lớn của Đảng. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương này thì trẻ em phải được quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ. Vì vậy, vấn đề trẻ em cần thể hiện tập trung hơn, có thể đưa vào mục VII của Báo cáo Chính trị - Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đặc biệt tập trung vào nhiệm vụ thực hiện quyền và bảo vệ trẻ em theo quy định Luật Trẻ em (có 25 quyền), chú trọng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đây cũng là vấn đề còn gặp khó khăn, hạn chế", bà Nguyễn Thị Thanh Hòa góp ý.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đề nghị bổ sung vấn đề trách nhiệm gia đình trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Nhấn mạnh gia đình, trong đó giáo dục gia đình có vai trò rất quan trọng thực hiện những chủ trương, định hướng lớn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nguồn lực con người, bảo vệ trẻ em, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng trên thực tế việc phát huy vai trò của gia đình, giáo dục gia đình chưa được quan tâm đúng mức.
Trong Dự thảo Văn kiện, vấn đề gia đình đã được đề cập ở mục VII - Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam với những nội dung rất quan trọng như "... giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam... và thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Phát huy vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ".
Để phát huy đầy đủ hơn vai trò, trách nhiệm của gia đình, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị nghiên cứu bổ sung vai trò của gia đình trong vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng con người Việt Nam như không để con suy dinh dưỡng, đảm bảo công bằng về giáo dục giữa con trai và gái đi học, không có hành vi bạo lực với con…
Cần có chỉ tiêu về dinh dưỡng và tầm vóc của trẻ em
Là người dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Tiến sỹ Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em mong muốn trong định hướng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021–2025 của Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bổ sung chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em, qua đó cải thiện tầm vóc của người Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Trần Thị Thanh Thanh, vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em có tác động rất lớn vào quá trình xây dựng nguồn nhân lực tương lai của đất nước. "Để tạo nền tảng của một nguồn nhân lực khỏe mạnh, tầm vóc cao lớn cần phải đặc biệt chú ý đến việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em", Tiến sỹ Trần Thị Thanh Thanh nói.
Tiến sỹ cho biết trong 30 năm qua, việc thực hiện giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em của Việt Nam vẫn gặp rất nhiều trở ngại. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trong trẻ em ở Việt Nam vẫn còn cao, đặc biệt tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (23,2% năm 2018) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng.
Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Tình trạng dinh dưỡng của trẻ em đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu thiên niên kỷ cũng như chỉ số phát triển con người và gần đây thì mức độ giảm suy dinh dưỡng có chiều hướng chậm lại.
Tiến sỹ Trần Thị Thanh Thanh đề nghị trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII bổ sung quan điểm phát triển trẻ em toàn diện, đồng thời tôn trọng, phát huy quyền được lắng nghe và tham gia của trẻ em để phù hợp với quyền trẻ em vốn được nêu trong Luật Trẻ em và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, gồm 4 nhóm quyền cơ bản: Nhóm quyền được sống còn, nhóm quyền được phát triển, nhóm quyền được bảo vệ và nhóm quyền được tham gia.