Đề án trên được triển khai thí điểm ở 10 tỉnh thuộc 4 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và duyên hải miền Trung gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Nông, Ninh Thuận, Trà Vinh, Kiên Giang.
Đối tượng được thụ hưởng Đề án gồm: Già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo ở các thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực III ở các tỉnh được chọn điểm.
Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Bí thư Chi đoàn thanh niên, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh, Chi hội trưởng Chi hội nông dân; Trưởng ban công tác mặt trận; cán bộ tư pháp, cán bộ văn hóa thông tin ở các thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực III, xã biên giới ở tỉnh được lựa chọn thí điểm.
Đồn, trạm, đội công tác biên phòng và các đồng chí bộ đội biên phòng tăng cường xuống xã biên giới ở tỉnh được lựa chọn thí điểm.
Mỗi đối tượng thụ hưởng được cấp 1 chiếc radio. Radio cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi được sản xuất theo các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp, băng tần số hoạt động của radio phải đảm bảo thu được sóng AM, FM và sóng SW (sóng ngắn) của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh - truyền hình địa phương; dễ sử dụng, dùng được pin sạc và nguồn điện.
Mục tiêu của Đề án nhằm tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, công tác dân tộc và chính sách dân tộc nói riêng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững; nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội; ổn định chính trị vùng dân tộc thiểu số và miền núi.