Những điều rút ra từ vòng bảng World Cup 2018

Sau những ngày liên tục với trái bóng tròn, World Cup 2018 tạm nghỉ một ngày để các đội chuẩn bị cho vòng 1/8 sắp tới. Tạp chí "Four Four Two" mới đây đã có bài đánh giá về 10 điều rút ra từ các trận đấu ở vòng bảng.

Chú thích ảnh
Cú sốc đối với tuyển thủ Đức trong lượt cuối vòng bảng World Cup 2018 ở Kazan, Nga ngày 27/6. Ảnh: THX/TTXVN

 

1. "Lời nguyền" với các đội đương kim vô địch


Đức ra về sau vòng bảng giống như "lời nguyền" dành cho các đội bóng châu Âu bước lên ngôi vô địch thế giới. Tới lúc này, 4 nhà vô địch châu Âu đã liên tiếp rời World Cup chỉ sau vòng bảng.

 

Đầu tiên phải kể tới Pháp trong lần bị loại khỏi World Cup 2002, dù trước đó mới chỉ 4 năm đội bóng của những Zidane, Henry hay Thuram đã "làm mưa làm gió". Tiếp đó, tại World Cup 2010, tới lượt tuyển Italy dính "lời nguyền". Nằm ở bảng đấu có Paraguay, Slovakia và New Zealand, tưởng như Azzurri sẽ dễ dàng vượt qua vòng bảng nhưng sau khi 3 trận đấu kết thúc, đội bóng châu Âu ra về với vị trí đứng chót.


Tới năm 2014, Tây Ban Nha với lối đá tiki-taka đã làm nức lòng người hâm mộ ở Nam Phi như thế nào thì lại gây ra thất vọng tại Brazil bấy nhiêu. Hai thất bại trước Hà Lan và Chile đã buộc La Roja về nước sớm. Còn tại World Cup 2018, tuyển Đức được đánh giá là một trong những ứng cử viên. Tuy nhiên, những vấn đề nội bộ và phong độ của các ngôi sao đã dẫn tới một màn trình diễn bạc nhược của Die Mannschaft.


2. Sứ mệnh của HLV Joachim Low


Thất bại của Đức đang đặt ra rất nhiều vấn đề cho HLV Joachim Low - người đang đối diện với sức ép lớn từ truyền thông và người hâm mộ nước này. Liệu sau 12 năm dẫn dắt, đã tới lúc chiến lược gia này nói lời chia tay? Không thể phủ nhận rằng ông Low là một trong những huấn luyện viên xuất sắc nhất ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, hơn 1 thập niên có phải là quá dài? Tại Euro 2016, màn trình diễn của Đức không phải quá tệ nhưng nhiều chuyên gia cho rằng các ý tưởng của HLV Low đã cạn kiệt từ giải đấu này.


3. Công nghệ VAR hữu ích nhưng không chấm dứt được tranh cãi


Có 24 quả phạt penalty trong vòng bảng - một kỷ lục ở World Cup. Theo báo cáo, VAR đã giúp các trọng tài đưa ra quyết định chính xác trong gần như mọi tình huống và công nghệ này không có dấu hiệu bị lạm dụng. Tuy nhiên, từ khi có VAR, các quyết định của trọng tài nếu vẫn chưa thoả đáng sẽ đẩy tranh cãi lên một tầm cao hơn. Ví dụ như tình huống tiền đạo A. Mitrovic của Serbia bị 2 hậu vệ Thuỵ Sĩ phạm lỗi, hay quả penalty thứ 2 được trao cho Saudi Arabia trong trận đấu với Ai Cập.


4. Cổ động viên Latinh "ghi điểm" trên đất Nga


Dù gặp bất lợi về địa lý nhưng các cổ động viên của những đội bóng Mỹ Latinh đã mang đến cho World Cup 2018 không khí náo nhiệt hơn những cổ động viên châu Âu. Theo ghi nhận của phóng viên, cổ động viên của Bỉ và Đức là những người thu hút sự chú ý nhưng không khí lễ hội thường xuất hiện ở những nơi mà cổ động viên Mexico, Argentina, Colombia, Peru hay Brazil tới.

 

Trong lượt trận đấu đầu tiên, cổ động viên Mexico đã biến sân Luzhniki thành "thánh địa" Azteca trong trận gặp Đức, trong khi cổ động viên Argentina luôn xuất hiện và hát ca bên ngoài khách sạn của đội tuyển để ủng hộ Messi và đồng đội vượt khó. Trong khi đó, những đoàn cổ động viên Colombia hay Peru đã mang tới Quảng trường Đỏ ở Moskva những không gian văn hoá đậm chất Nam Mỹ.


5. Tite - HLV phù hợp cho Brazil


Dù cho World Cup 2018 kết thúc như thế nào, HLV Tite đã cho thấy ông đủ năng lực gắn kết các ngôi sao của tuyển Brazil - một điều rất hiếm thấy. Các cầu thủ, phóng viên và cổ động viên đang đoàn kết để "truyền lửa" cho vị chiến lược gia này. Theo đánh giá, dưới bàn tay của HLV Tite, Brazil đang chơi một sơ đồ chiến thuật cân bằng, giảm được gánh nặng cho Neymar và vẫn đảm bảo được tính công - thủ hợp lý. Nhiều phóng viên Brazil cho biết kể cả khi Selecao không giành được cúp vàng, HLV Tite vẫn sẽ được mời ở lại dẫn dắt đội tuyển.


6. Đội tuyển Nga "lãi to"


Trước khi gảii đấu diễn ra, khoảng 75% cổ động viên Nga khi trả lời một cuộc thăm dò đều cho rằng đội bóng chủ nhà sẽ thất bại ngay tại vòng bảng. Thậm chí, nhiều trang báo chuyên về thể thao cũng lo ngại về việc Nga sẽ sớm rời World Cup, dù họ được chơi trên sân nhà. Tuy nhiên, với hai chiến thắng trước Saudi Arabia và Ai Cập, Nga đã tạo ra một không khí phấn khởi trong nước. Giờ đây, tâm trạng chung của cổ động viên Nga khá tích cực, dù họ phải đối đầu với Tây Ban Nha ở vòng 1/8.


7. Nỗi thất vọng mang tên Robert Lewandowski


Ngôi sao của CLB Bayenr Munich là chân sút có thành tích ghi bàn tốt nhất ở vòng loại châu Âu, với 16 bàn thắng cho Ba Lan. Tuy nhiên, khi tới Nga, Lewandowski như "biến mất". Có thể lý giải cho việc ngôi sao này không có được sự hỗ trợ tốt nhất của đồng đội song với đẳng cấp của mình, rõ ràng Lewandowski phải thực hiện vai trò gánh vác, thay vì chỉ trích đồng đội như cách anh phát biểu sau trận đấu với Colombia.


8. Thụy Điển chơi hay hơn khi không có Ibrahimovich


Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ tuyên bố của Zlatan Ibrahimovich rằng World Cup sẽ chẳng còn giá trị nếu không có ngôi sao này? Rõ ràng, đây là một ẩn ý nhắm tới HLV của Thụy Điển khi không triệu tập anh vào danh sách dự World Cup 2018. Tuy nhiên, với thực tế từ vòng loại châu Âu tới qua 3 trận vòng bảng, Thụy Điển đã trình diễn một diện mạo khác. Tại vòng loại, Thụy Điển vượt qua cả Hà Lan và Italy để đứng đầu bảng, giành vé trực tiếp tới Nga. Còn tại World Cup 2018, Thụy Điển đã "tiễn" Đức về nước bằng chiến thắng 3-0 trước Mexico.


9. FIFA đã đúng khi sử dụng yếu tố fair-play


Những diễn biến ở bảng H trong lượt trận đấu cuối đã đánh dấu lần đầu tiên yếu tố fair-play được sử dụng để xác định vị trí các đội. Sau khi lượt trận thứ 3 kết thúc, cả Senegal và Nhật Bản có cùng điểm, cùng hệ số bàn thắng thua và hệ số bàn thắng ghi được. Lúc này, chỉ với 4 thẻ vàng đã nhận, Nhật Bản đứng thứ 2, hơn Senegal - đội đã phải nhận 6 thẻ vàng. Theo đánh giá của giới chuyên gia, cách sử dụng yếu tố fair-play của FIFA là rất hợp lý, qua đó thúc đẩy hình ảnh bóng đá đẹp trong thời gian tới.


10. Mở rộng World Cup sẽ là "ác mộng"


Panama, Saudi Arabia hay Tunisia không tạo ra những ấn tượng về trình độ và chất lượng trong các trận đấu, dẫn tới những lo ngại rằng một khi World Cup 2026 mở rộng với sự tham dự của 48 đội, chất lượng các trận đấu sẽ đi về đâu. Tới lúc này, châu Á chỉ có 1 đội duy nhất là Nhật Bản đi tiếp, còn ở khu vực CONCACAF là Mexico. Họ liệu có đủ sức đương đầu với phần còn lại là những đội tới từ châu Âu và Nam Mỹ? Có lẽ, FIFA nên cân nhắc kỹ lưỡng về kế hoạch nâng số đội dự World Cup trong thời gian tới.
 

Anh Hiển (TTXVN)
Kỹ sư Bolivia yêu cầu FIFA công nhận quyền sở hữu trí tuệ VAR
Kỹ sư Bolivia yêu cầu FIFA công nhận quyền sở hữu trí tuệ VAR

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 29/6, kỹ sư xây dựng người Bolivia Fernándeo Méndez đã yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) công nhận quyền sở hữu trí tuệ của anh đối với Công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) đang được áp dụng tại World Cup năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN