EURO 2016: Đội bóng nào có lối chơi hiệu quả nhất?

Vòng chung kết EURO 2016 đã chứng kiến rất nhiều hệ thống chiến thuật khác nhau. Sự đa dạng và phong phú này là một phần quan trọng, khiến cho bóng đá được yêu thích trên toàn thế giới. Nhưng đâu đang là đội bóng thi đấu hiệu quả nhất?

Tình huống tranh chấp bóng bổng quyết liệt của cầu thủ hai đội Đức và Bắc Ireland. Ảnh: AFP/TTXVN

Chúng ta nhắc tới sự hiệu quả, đó là bởi bóng đá chưa hề có một chiến thuật nào là “tối thượng”, là “bách chiến bách thắng”. Không có một chiến thuật nào là “tốt nhất” trong bóng đá. Sự hiệu quả sẽ chỉ đến nếu như một hệ thống là phù hợp với nhân sự của tập thể, và được vận hành một cách trơn tru nhất.

Nếu có trong tay một đội bóng mạnh với những cá nhân có kỹ thuật tốt nhất, sẽ rất nhiều huấn luyện viên (HLV) nghĩ tới việc xây dựng một thứ bóng đá kiểm soát bóng nhiều, chủ động dồn ép đối thủ, qua đó tìm đến chiến thắng một cách chủ động. Tuy nhiên, nếu trong tay một HLV là nhóm các cầu thủ có đẳng cấp không cao, họ sẽ hướng tới những mục đích phù hợp hơn, ví dụ như không để thua. Họ sẽ nhường lại trái bóng cho đối thủ, lùi xuống và tạo phòng tuyến vững vàng, hấp thụ áp lực mà đối thủ gây ra, trước khi tìm thời cơ phản công để có bàn thắng.

Nhìn vào thống kê về thời lượng kiểm soát bóng trung bình, không khó để nhận ra điều đó. Top 5 những đội kiểm soát bóng nhiều nhất giải đang lần lượt là Đức (66% thời lượng trung bình mỗi trận), Bồ Đào Nha (61%), Tây Ban Nha (61%), Anh (58%), Thụy Sĩ (58%).

Ngược lại, những đội bóng không được đánh giá cao về phương diện con người thì cầm bóng rất ít. Điển hình là Bắc Ireland (34%), Iceland (35%), Albania (42%), Cộng hòa Czech (43%), Xứ Wales (44%).

Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự phù hợp, chứ chưa phải bằng chứng cho thấy sự hiệu quả. Ngay ở nhóm các đội kiểm soát bóng trung bình nhiều nhất, chúng ta cũng dễ dàng thấy rằng Bồ Đào Nha đang gây thất vọng lớn khi hòa 3 trận vòng bảng, trong khi Anh và Thụy Sĩ vẫn có quá nhiều dấu hỏi xoay quanh lối chơi.

Ở nhóm cầm bóng ít, có thể coi rằng Bắc Ireland, Iceland và Xứ Wales đã tạm thời thành công. Nhưng Albania và Cộng hòa Czech thì chủ yếu chỉ gây ấn tượng về tinh thần thi đấu.

Như vậy, việc lựa chọn một lối chơi phù hợp tuy quan trọng nhưng chưa chắc đã mang tới sự hiệu quả.

Để chiến thắng thì cần ghi bàn. Ở điểm này, giải đấu đang chứng kiến sự bất ngờ khi Hungary và xứ Wales đang là hai đội ghi bàn nhiều nhất giải. Mỗi đội tuyển này đều đã ghi 6 bàn sau 3 trận. Nối tiếp phía sau là Tây Ban Nha và Croatia với 5 bàn.

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, để giành chiến thắng thì ngoài việc ghi bàn, còn phải tránh để đối thủ chọc thủng lưới. Nếu xét ở góc độ này, Đức và Ba Lan đang là tốt nhất giải khi chưa hề thủng lưới lần nào. Pháp, Italy và Thụy Sĩ đều mới chỉ để thủng lưới 1 lần.

Một góc nhìn dung hợp là những đội bóng được đánh giá là thi đấu tốt nhất giải đều đang có điểm chung: hiệu số bàn thắng - bàn bại. Cùng có hiệu số +3, tốt nhất giải, là xứ Wales, Tây Ban Nha, Pháp, Đức.

Những con số về bàn thắng, bàn bại, hiệu số luôn đi kèm với những đội có kết quả tích cực. Có thể coi đây là một biểu hiệu của một lối chơi hiệu quả.

Với những đội bóng khó khăn, đôi khi sự chắt chiu thời cơ mới là quan trọng hơn cả, chứ chưa hẳn là việc ghi bàn nhiều, hiệu số cao. Đơn giản bởi mục tiêu trước hết của họ vẫn là “không thua”, dẫn đến hệ thống thi đấu được thiết kế theo thiên hướng phòng ngự, ít cầm bóng tấn công chủ động.

Nhìn vào thống kê về số lần dứt điểm, Top 5 hiện là Bắc Ireland (dứt điểm tổng cộng 17 lần), Iceland (21), Italy (24), Thụy Điển (24) và Thổ Nhĩ Kỳ (26). Dễ nhận thấy rằng 3 đội đầu tiên đã đi tốt và được đánh giá tích cực, nhưng 2 đội sau thì không. Và mấu chốt phân biệt hai bên là rất rõ ràng: trong khi Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ dứt điểm trúng đích 4 lần (tỷ lệ chính xác lần lượt là 16% và 15%) thì Bắc Ireland là 8 (47% chính xác), Iceland (39%) và Italy là 9 (38%).

Lật ngược bảng xếp hạng về những cú dứt điểm, dễ thấy rằng Top 3 đội dứt điểm nhiều nhất tại EURO 2016 hiện đang là Bồ Đào Nha (69 lần), Anh (65) và Bỉ (59). Trùng hợp thay, đây cũng lại là 3 đội có nhiều cú dứt điểm bị chặn nhất (lần lượt 24, 19 và 19 lần). Bồ Đào Nha và Anh cũng là 2 đội dứt điểm không trúng đích nhiều lần nhất (lần lượt 28 và 26 lần).

Những con số thống kê khi đặt vào hoàn cảnh rõ ràng có thể giúp chúng ta khẳng định được nhiều điều mơ hồ. Có thể thấy rằng, quả thực Bồ Đào Nha, Anh và Bỉ đang chơi bóng không hiệu quả. Ngược lại, dễ thấy Đức, Tây Ban Nha, Xứ Wales đang đi đúng hướng.

Theo các con số mới được trang thống kê WhoScored đưa ra đội tuyển Anh đang là đội rê dắt thành công nhiều nhất tại vòng chung kết EURO. Theo đó, họ đã thực hiện tổng cộng 59 lần qua người - bỏ xa các đội xếp sau như Đức (41 lần), Slovakia (38) hay Romania (38).

Điều đáng chú ý là thành tích này có sự đóng góp rất lớn của các... hậu vệ biên. Kyle Walker đã qua người thành công 8 lần, Danny Rose 5 lần và Nathaniel Clyne 4 lần. Dele Alli (8), Wayne Rooney (7), Daniel Sturridge (5), Raheem Sterling (5) cũng là những chân rê dắt đáng chú ý khác của "Tam sư".

TTXVN/Tin Tức
Cuộc chơi của các nàng Lọ Lem trong EURO cỡ XXL
Cuộc chơi của các nàng Lọ Lem trong EURO cỡ XXL

Bàn thắng ở những giây cuối cùng của Traustason đã đưa Iceland vào vòng konock-out trong giải EURO đầu tiên mà họ tham gia trong lịch sử. Đấy là kì tích, là điều kì diệu đến từ một quốc gia chỉ có hơn 300.000 dân và lâu nay chỉ đóng vai trò là thảm lót đường cho các đội bóng khác ở các vòng đấu bảng EURO và World Cup. Chính sự mở rộng số đội dự vòng chung kết lần này đã là một cơ hội tuyệt vời để những đội bóng Lọ Lem như Iceland vượt qua được vòng đấu bảng, giúp cho giấc mơ tiếp tục kéo dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN