Diễn ra đến hết ngày 16/1, triển lãm là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1944 - 22/12/2023).
Triển lãm gồm 3 hoạt động chính: Trưng bày 97 ảnh tư liệu về hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và cuộc sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa; Trình chiếu 5 tập phim phóng sự - tài liệu về Trường Sa; Trưng bày mô hình 21 hòn đảo thuộc Quần đảo Trường Sa và các hiện vật như cờ Tổ quốc, cờ Hải quân nhân dân Việt Nam, Huy hiệu Chiến sỹ Trường Sa, sản phẩm thủ công do các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa tự làm.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk Đinh Một cho biết, lịch sử Việt Nam ghi lại, trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân miền Nam, ở trận đánh mở màn đã giải phóng đảo Song Tử Tây và sau đó đến các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Từ đó đến nay, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra sức gìn giữ, xây dựng, dần khoác lên quần đảo Trường Sa một diện mạo mới - như “chồi xanh vươn cao giữa trùng khơi”.
Qua góc nhìn ống kính và cảm nhận tinh tế, nhà báo Nguyễn Quốc Hưng đã ghi lại những hình ảnh đặc sắc về các hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm không chỉ có chất lượng cao về nghệ thuật mà còn chuyển tải thông tin, giúp người xem có cái nhìn gần gũi, chân thực và hiểu biết hơn về một quần đảo Trường Sa đầy sức sống. Triển lãm cũng là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo vệ biên giới, chủ quyền biển đảo, lãnh thổ quốc gia.
Dự kiến sau triển lãm, toàn bộ ảnh và các tập phim phóng sự - tài liệu chủ đề “Trường Sa - Nơi đầu sóng" sẽ tiếp tục được đưa đi triển lãm tại các huyện, thị xã trong tỉnh nhằm tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ đến với công chúng.
Tác giả triển lãm - Nhà báo Nguyễn Quốc Hưng cho biết, khi đặt chân đến Trường Sa, ông đầy nỗi tự hào và xúc động, thấy cái gì lạ lẫm, hấp dẫn cũng cố gắng thu thật nhiều hình ảnh vào ống kính. Sau đó, từ tư liệu có được, ông đã chắt lọc để trở thành các tập phim tài liệu và lựa chọn 97 ảnh để thực hiện cuộc triển lãm.
Thiếu tá Phạm Thanh Bình, cán bộ Quân chủng Phòng không - Không quân bày tỏ xúc động khi thấy những hình ảnh về cuộc sống trên đảo được thể hiện sinh động tại triển lãm. Mặc dù là lính đảo, đã công tác 6 năm tại Trường Sa nhưng anh chưa đi hết được các điểm, đảo; do đó, thông qua phóng sự và một số hình ảnh tại triển lãm, bản thân anh cũng có thêm nhiều hiểu biết về các điểm, đảo khác.