Văn phòng LHQ đánh giá cao triển lãm ảnh về di sản và văn hóa của Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva; cùng bà Tatiana Valovaya, Tổng Giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva (UNOG) ngày 11/12 đã chủ trì lễ khai mạc Triển lãm ảnh "Sắc màu văn hóa: Di sản thiên nhiên và văn hóa ở Việt Nam” tại trụ sở LHQ tại Geneva.

Chú thích ảnh
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai phát biểu khai mạc triển lãm ảnh. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN 

Triển lãm ảnh do Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva và Văn phòng LHQ tại Geneva đồng tổ chức thu hút sự tham dự của nhiều Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và các đại diện của các nước, tổ chức quốc tế, cũng như thành viên của đoàn các nước nhân dịp tham gia Sự kiện Cấp cao Kỷ niệm 75 năm ngày thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.

Phát biểu khai mạc triển lãm, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nêu bật tầm quan trọng của triển lãm ảnh, thể hiện mối liên hệ sâu sắc giữa quyền con người và bảo tồn, phát triển di sản văn hóa và thiên nhiên. Triển lãm được tổ chức vào thời điểm cộng đồng quốc tế cùng kỷ niệm 75 năm ngày thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, nhìn lại các thành tựu, thách thức trong thúc đẩy bảo đảm quyền con người trong thời gian qua và cam kết hướng tới bảo đảm tốt hơn các quyền con người trong tương lai. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai bày tỏ mong muốn thông qua triển lãm ảnh này, bạn bè quốc tế hiểu thêm thực tế và thông điệp mạnh mẽ về đất nước Việt Nam đa dạng văn hóa, nơi chung sống hòa hợp và đoàn kết của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Các di sản văn hóa cùng với các di sản thiên nhiên được cộng đồng các dân tộc Việt Nam duy trì và phát triển trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trong đó có những di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận. Bản sắc văn hóa đa dạng cùng với các di sản thiên nhiên là nguồn lực quan trọng của các dân tộc, đóng góp cho đời sống năng động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng nhấn mạnh sự tham gia đóng góp chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ trên cương vị thành viên nhiệm kỳ 2023-2025. Việc Việt Nam chủ trì đề xuất, soạn thảo Nghị quyết về Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền là một ví dụ điển hình, đã được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua bằng đồng thuận tại Khóa họp lần thứ 52 vào tháng 2-3 năm nay.

Chú thích ảnh
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai giới thiệu nội dung các tấm ảnh tham dự triển lãm với bạn bè quốc tế.
Ảnh: Anh Hiển/TTXVN 

Cùng tại triển lãm ảnh, bà Tatiana Valovaya, Tổng Giám đốc UNOG hoan nghênh Việt Nam tổ chức sự kiện này; khẳng định LHQ luôn chú trọng thúc đẩy đa dạng văn hóa, xem đây là nền tảng cho hòa bình, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, góp phần tạo nên một thế giới hài hòa và thịnh vượng hơn. Bà Tatiana Valovaya nhấn mạnh bảo tồn di sản văn hóa là điều cấp thiết cho các thế hệ tương lai; các di sản vật thể và phi vật thể là những nguồn tài nguyên vô giá, đóng vai trò là chất xúc tác để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Bà cũng nhắc lại chuyến thăm Hà Nội, được đến tham quan làng gốm Bát Tràng ở Hà Nội và chứng kiến tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống, một minh chứng cho di sản đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Bà cũng nhắc đến sự tham gia tích cực của phụ nữ Việt Nam trong các nỗ lực bảo tồn và phát triển đa dạng văn hóa cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bà Tatiana Valovaya cho rằng triển lãm lần này gồm nhiều hình ảnh đặc sắc, mang đến cái nhìn sống động về cuộc sống sôi động của nhiều cộng đồng dân tộc, tôn giáo khác nhau ở Việt Nam; phản ánh những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời được truyền qua nhiều thế hệ và làm nổi bật sự phát triển của những bản sắc độc đáo trong các cộng đồng này; khắc họa kết quả của sự kiên trì bảo tồn di sản văn hóa của thế giới ở Việt Nam.

Triển lãm ảnh "Sắc màu văn hóa: Di sản thiên nhiên và văn hóa ở Việt Nam" nằm trong khuôn khổ chương trình tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, cũng như các cam kết vì các giá trị chung về quyền con người, vì hòa bình, phát triển và hạnh phúc cho mọi người. 

Triển lãm được mở cửa cho công chúng từ ngày 10-12/12 tại trụ sở LHQ tại Geneva, nhân dịp LHQ tổ chức Sự kiện cấp cao kỷ niệm 75 năm thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.

Anh Hiển – Văn Tuấn (TTXVN)
Nghi lễ vòng đời và nghề dệt thổ cẩm người Chăm là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
Nghi lễ vòng đời và nghề dệt thổ cẩm người Chăm là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Tối 10/12, tại thị xã Tân Châu (An Giang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với UBND thị xã Tân Châu tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản văn hoá phi vật thể đối với nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam và nghề dệt thổ cẩm của người Chăm (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN