Đến thăm những ngôi làng ven biển ở huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) có thể nghe được nhiều câu chuyện về sự giúp đỡ lẫn nhau của ngư dân nơi đây khi đánh bắt trên biển. Ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, cách đây hơn một tháng, tàu cá của anh Lê Văn Năm ở xã Tam Quang đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì bị đứt dây rút lưới có nguy mất ngư cụ. Cách đó khoảng 38 hải lý, khi đang chuẩn bị thả lưới thì ông Huỳnh Văn Diệp nghe được tín hiệu giúp đỡ từ tàu của anh Năm qua máy Icom, nên cùng 16 thuyền viên trên tàu đến hỗ trợ dùng phao và thuyền thúng để cứu lưới của thuyền bạn khỏi bị chìm. Trong sóng lớn, hàng chục ngư dân của hai tàu phải vất vả từ 19 giờ tối đến tận 3 giờ sáng hôm sau mới vớt được tấm lưới lớn lên tàu an toàn.
Xưởng chế biến cá bò tạo việc làm cho chị em phụ nữ bị mất chồng ngoài biển tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam |
Còn trước đó trong tháng 2 vừa qua, chiếc tàu cá Qna 91298 của anh Huỳnh Văn Song ở xã Tam Quang đang đánh bắt ngoài khơi cách bờ 200 hải lý thì không may bị gãy trục máy, tàu phải để thả trôi. Được các chiến sĩ biên phòng thông báo và đề nghị phối hợp cứu hộ, ông Diệp đã cùng những ngư dân có kinh nghiệm từ trong bờ lên tàu cá của gia đình để ra khơi và sau 8 ngày lênh đênh trên biển ông Diệp đã lai dắt về bờ an toàn chiếc tàu bị nạn. Những lần cứu hộ tàu bị nạn trên biển, chi phí đi lại là rất lớn nhưng nhiều lúc ông Diệp chỉ nhận một phần nhỏ số tiền dầu hoặc nhiều khi không lấy để chia sẻ với những khó khăn của tàu bị nạn.
Còn đối với anh Trần Văn Độ ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành vẫn còn nhớ sự giúp đỡ nhiệt tình của tàu cá Qna 90315 của anh Phạm Xuân Lệ (ở xã Tam Quang). Tháng 3 vừa qua, trong lúc đang đánh bắt trên biển thì tàu của anh Độ bị hư máy, phải thả trôi trong điều kiện thời tiết xấu. Đang trên hành trình về đất liền khi nhận được tín hiệu giúp đỡ qua máy liên lạc Icom, anh Phạm Xuân Lệ đã cho tàu quay lại thêm 45 hải lý để giúp đỡ lai dắt chiếc tàu của anh Độ về đất liền. Từ những người trước đây không hề quen biết nhau, nay hai chủ tàu trẻ tuổi này đã trở thành những người bạn đi biển thân thiết. Anh Phạm Xuân Lệ chia sẻ: “Trên biển cả mênh mông nhìn thấy tàu cá tung bay cờ Tổ quốc của mình thì anh em đều coi nhau như những người đồng hương, có khó khăn thì sẵn sàng giúp đỡ. Nhiều khi các tàu trên biển còn chia sẻ thuốc men, nước ngọt, lương thực hay đá cây để ướp cá”.
Ấm áp tình người Xã Bình Minh, huyện Thăng Bình là một địa phương gắn liền với tên của cơn bão Chanchu năm 2006, đã làm 87 ngư dân của xã bị mất tích ngoài biển khi đang trên đường tránh bão, để lại nỗi đau khôn nguôi của những người vợ mất chồng, những đứa con mất cha. Tám năm đã trôi qua, được sự thương yêu, đùm bọc của người thân và bà con hàng xóm, những phụ nữ bị mất chồng khi đi biển đã vượt qua được nỗi đau mất mát, được tạo công ăn việc làm, gánh vác kinh tế gia đình để nuôi con ăn học. Hiện nay, xã Bình Minh có 22 cơ sở thu mua chế biến cá giúp giải quyết việc làm cho 450 lao động nữ trong đó phần nhiều là chị em bị mất chồng khi đi biển, với mức thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng.
Là một ngư dân từng may mắn sống sót trên biển trở về sau cơn bão Chanchu, anh Phạm Minh Tân ở xã Bình Minh đã chuyển sang mở xưởng chế biến cá bò khô, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng hơn 30 chị em phụ nữ địa phương. Anh Phạm Minh Tân cho biết, “tôi là một ngư dân nhiều năm lênh đênh trên biển cả để mưu sinh nên hiểu được sự mất mát của những người mẹ, người vợ khi mất đi người thân của mình trên biển. Vì vậy tôi cũng như mọi người ở đây giúp đỡ chia sẻ được gì thì sẵn sàng giúp đỡ họ”.
Bị mất chồng trong trận bão Chanchu, chị Trần Thị Chính ở thôn Hòa Bình, xã Bình Minh cho biết: sau cơn bão cũng nhờ chính quyền địa phương và bà con hàng xóm động viên, đùm bọc tạo việc làm ở xưởng chế biến cá bò nên cuộc sống dần ổn định để nuôi con nhỏ ăn học. Những chị em có cùng hoàn cảnh cũng đã vượt lên được nỗi đau để xây dựng cuộc sống mới.
Bài và ảnh: Đỗ Trưởng