Nơi đây đã phát hiện được chừng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Ngoài ra, còn phát hiện khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Khoản lợi nhuận thuần có thể thu được từ một số hệ sinh thái ven biển sơ bộ ước tính là 80 triệu USD/năm.
Các hệ sinh thái biển-ven biển cũng là những nơi thuận lợi cho quá trình sinh sản, ương nuôi nguồn giống và là những bãi hải sản quan trọng ở vùng biển nước ta. Chúng cung cấp các giá trị dịch vụ, có tiềm năng to lớn về bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật biển và nguồn giống hải sản tự nhiên. Cho nên, chúng là yếu tố nền tảng duy trì sự phát triển ổn định đối với một số ngành kinh tế biển và một số ngành nghề biển mới dựa vào nguồn vốn tự nhiên (giá trị vật chất và phi vật chất) như ngành thuỷ sản, du lịch, bảo tồn thiên nhiên và nghề cá giải trí, du lịch lặn,…Vì thế, cần phải nhìn nhận bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển là hai mặt của một vấn đề trong phát triển bền vững biển, hướng tới một nền kinh tế biển xanh ở nước ta.
Báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nêu rõ: Dải ven biển nước ta có các loại đất phần lớn bị nhiễm mặn và có các thủy vực với bản chất môi trường nước lợ với khoảng 1.000.000 ha các vùng đất ngập nước triều. Nơi đây có mặt khoảng 60% các kiểu loại hệ sinh thái đất ngập nước khác nhau, nhiều vùng đất trũng thấp, dễ bị tổn thương bởi các hoạt động của con người và thiên tai, đặc biệt là nước biển dâng dưới tác động của biến đổi khí hậu. Đây là một trong những khu vực đặc trưng về đa dạng sinh học, giàu tài nguyên thiên nhiên và tập trung sôi động các hoạt động phát triển của con người. Khoảng 90% nguồn giống hải sản và 95% loài thủy sản có giá trị đều sống trên các vùng triều lầy như ngao, ngó, vọp, tôm rảo.
Phần lớn diện tích vùng nước lợ của nước ta được chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Khoảng 12.000 ha đầm phá phân bố tập trung ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, khoảng 500.000 ha mặt nước vùng biển ven bờ có thể đưa vào phát triển nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, có khả năng đưa thêm 20.000 ha vùng bãi ngang (cát) sát biển vào nuôi trồng thủy sản với điều kiện phải bảo vệ nguồn nước ngầm ngọt khan hiếm ở vùng ven biển.
Vùng biển nước ta chứa khoảng 5,4 triệu tấn cá biển với khả năng khai thác bền vững cho phép khoảng 2,4 triệu tấn/năm (chưa tính đến trữ lượng tôm biển, mực và các loài sinh vật đáy trong vùng triều). Ở vùng biển ven bờ có 12 bãi cá và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi, các bãi tôm quan trọng đều phân bố ở vùng biển sát bờ. Đặc trưng nổi bật nhất về mặt nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta là quanh năm đều có cá đẻ, nhưng thường tập trung vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 7. Cá biển nước ta thường phân đàn nhưng không lớn, đàn cá nhỏ dưới 5 x 20m chiếm 84%, đàn cá lớn cỡ 20 x 500m - 0,1% tổng số đàn cá.
Chính vì thế, nghề cá nước ta là “nghề cá đa loài” và là nghề cá nhỏ gắn bó chặt chẽ với sinh kế của người dân ven biển và trên các đảo ven bờ. Tiềm năng sinh vật biển, ven biển và hải đảo như vậy đã cung cấp tiền đề cực kỳ quan trọng, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia có tiềm năng phát triển thuỷ sản vững mạnh. Năm 2013, khai thác thủy sản biển đạt khoảng 2,3 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản nước lợ trên 2 triệu tấn, đã góp phần đưa ngành thuỷ sản nước ta đạt mốc kim ngạnh xuất khẩu khoảng 6,7 tỷ USD.
Ngoài tài nguyên sinh vật, trong vùng biển Việt Nam đã biết khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau, thuộc các nhóm nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Khu vực vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa Việt Nam là những nơi có triển vọng dầu khí. Bên cạnh dầu khí, khu vực Biển Đông, trong đó có vùng biển và thềm lục địa Việt Nam được đánh giá là một trong bốn khu vực ở Đông Á có tiềm năng băng cháy - là nguồn năng lượng sạch thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống (than, dầu khí,…) đang dần cạn kiệt.
Dọc ven biển đã phát hiện được các sa khoáng khoáng vật nặng của các nguyên tố hiếm quí như titan, ziacon và xeri. Sản lượng khai thác inmênit từ các sa khoáng ven biển cả nước là 220.000 tấn/năm và ziacôn 1.500 tấn/năm. Các sa khoáng ven bờ nam Trung Bộ có trữ lượng lớn, cát ven biển làm vật liệu xây dựng phân bố rộng khắp, ít tạp chất, nhưng thuộc loại cát mặn, nên việc sử dụng chúng vẫn có nhiều hạn chế và mang tính địa phương. Một số mỏ cát dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng chừng trên 100 tỷ tấn. Cát thuỷ tinh nổi tiếng là mỏ Vân Hải (trữ lượng 7 tỷ tấn), Vĩnh Thực (20.000 tấn) và một dải cát thạch anh ngầm dưới đáy biển Quảng Ninh (gần 9 tỷ tấn).
Ở nước ta, nước biển với tư cách là “hóa phẩm tổng hợp” có thể chắt lọc ra phần lớn các nguyên tố có mặt trong Bảng tuần hoàn Mendeleev và để sản xuất nước ngọt trong tương lai. Nhưng hiện nay nước biển mới được sử dụng trước hết để sản xuất muối và phát triển diêm nghiệp - một lĩnh vực kinh tế biển khá đặc thù ở Việt Nam với khoảng 60.000 ha ruộng muối biển. Biển Đông, vùng ven bờ và hải đảo Việt Nam còn tiềm chứa các dạng năng lượng sạch, thay thế của gió (sức gió mạnh và khá ổn định trong năm), của mặt trời và năng lượng biển (sóng, dòng chảy). Trong số 3.000 đảo, nhiều đảo có tiềm năng phát triển thành các trung tâm kinh tế biển-đảo hiện đại với các yếu tố chính là bảo tồn, du lịch sinh thái và khu hậu cần cho khai thác biển xa.
Với hơn 126 bãi biển lớn, nhỏ có cảnh quan đẹp, trong đó 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế và điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo ra các lợi thế cho phát triển du lịch biển, ven biển. Quần thể trên 2.400 đảo ven bờ thuộc Quảng Ninh - Hải Phòng với phần lớn đảo đá vôi lớn nhỏ, địa hình karst ngập nước, cảnh quan đặc biệt hấp dẫn, được xem là có giá trị độc nhất vô nhị trên thế giới. Cùng với nhiều giá trị tự nhiên, văn hóa-khảo cổ biển khác, vùng biển, ven biển và hải đảo nước ta ẩn chứa nhiều giá trị di sản đẳng cấp quốc tế và quốc gia. Việt Nam cũng có lợi thế trong phát triển kinh tế hàng hải và cảng biển, dải ven biển tập trung khoảng 50% đô thị lớn, nằm sát đường hàng hải quốc tế, có khoảng 145 cửa sông lớn nhỏ, bờ biển dài và khúc khuỷu.
Ngoài hai vịnh lớn (vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan) còn có khoảng 50 vũng, vụng ven bờ (chiếm khoảng 60% chiều dài đường bờ biển), trong đó có 12 vũng lớn. Trên 100 điểm có thể xây dựng cảng, nhiều vị trí có thể xây dựng các cảng nước sâu, trong đó một số nơi có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế. Kéo theo đó, các dịch vụ hàng hải - cảng biển cũng có nhiều triển vọng phát triển. Ngoài ra, trên vùng ven biển và 12 huyện đảo của nước ta có dân cư sinh sống khá đông đúc, nguồn lao động khá dồi dào với 25 triệu dân, bằng 31% dân số cả nước và khoảng 13 triệu lao động.
Đến hết năm 2010 dân số vùng ven biển khoảng 27 triệu người với 18 triệu lao động. Dự báo đến năm 2020, dân số khoảng 30 triệu người với 19 triệu lao động. Mật độ dân số trung bình ở đây khoảng 267 người/km2, cao hơn khoảng 1,2 lần mật độ trung bình chung của cả nước.