Phát triển kinh tế biển xanh bền vững: Bài 1

Trên thế giới, xây dựng mô hình Kinh tế xanh là một mô hình phát triển kinh tế mới, đang đi lên và thịnh hành, mà tập trung chính yếu vào mục tiêu tạo việc làm xanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, ngăn ngừa suy thoái môi trường và sự ấm lên toàn cầu, sự kiệt quệ tài nguyên và hủy hoại sinh thái.

Chú thích ảnh
Tỉnh Quảng Trị tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng huyện đảo Cồn Cỏ, giúp huyện đảo thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ và du lịch, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế biển. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng trong phát triển bền vững. Tại Việt Nam, biển đóng vai trò trọng yếu cả về kinh tế và an ninh, cho nên phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Báo Tin tức giới thiệu chùm 4 bài về Phát triển kinh tế biển xanh bền vững:  

Bài 1-Xu hướng toàn cầu 

Phân tích giá trị tài nguyên biển và đại dương, giá trị không gian biển và khối lượng thương mại hàng hải toàn cầu, Paul Holthus (Giám đốc Ủy ban Đại dương thế giới) chỉ ra rằng “kinh tế biển ngang bằng với kinh tế toàn cầu”. Biển và đại dương cho khả năng đánh bắt 300 triệu tấn hải sản/năm mà hiện nay lượng đánh bắt mới đạt 100 triệu tấn. Biển và đại dương là đường giao thông huyết mạch của thế giới và các quốc gia có biển, riêng Trung Quốc 85% lượng hàng hóa thương mại vận chuyển qua đường biển. Sản xuất dầu khí từ các mỏ biển chiếm 49% tổng lượng dầu sản xuất toàn cầu (năm 2009) và cộng nghệ khoan dầu đã tiến hành ở độ sâu 3.000m nước, còn dàn khai thác dầu đã triển khai ở độ sâu 2.000m nước.

Đến cuối năm 2010, đã có 100 quốc gia lọc nước biển thành nước ngọt, tách muối tinh và một số nguyên tố hóa học trong nước biển sử dụng đại trà trong phát triển kinh tế và đời sống. Tổng năng lực lọc và khử muối nước biển đạt khoảng 65 triệu m3/ngày, giải quyết được vấn đề nước uống cho khoảng 200 triệu người, tương ứng hàng năm lượng nước biển được sử dụng trực tiếp vượt 1.700 tỷ m3, bằng 60 hồ chứa thủy điện cỡ lớn.

Biển và đại dương còn chứa đựng nguồn tài nguyên tái tạo vô tận, chủ yếu là năng lượng thủy triều, năng lượng gió (phong điện), năng lượng nhiệt đại dương, năng lượng muối đại dương,…Năng lượng có thể tạo ra cho phát triển và sử dụng gấp hơn 10 lần tổng năng lượng đã tạo ra hiện nay trên thế giới. Đặc biệt, gần đây đã phát hiện thấy băng cháy (khí hydrate metan hình thành trong điều kiện nhiệt độ thấp, áp xuất cao) – một dạng năng lượng thay thế có trữ lượng gần gấp 2 lần trữ lượng dầu khí đã biết  ở biển. Dựa vào lợi thế của biển và đại dương, phần lớn các vùng kinh tế và đô thị lớn, thịnh vượng trên thế giới đều xây dựng ở ven biển và đại dương, như: Thượng Hải, New York, Tokyo, Hồng Kông, Rio de Janeiro, Bangkok, Jakarta...

Lịch sử phát triển thế giới gắn với đại dương và biển, nhưng bên cạnh lợi thế và tiềm năng, kinh tế biển thế giới cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong một thế giới chuyển đổi nhấn mạnh đến toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và kinh tế xanh. Kinh tế biển thế giới cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới với các đặc trưng cơ bản là khan hiếm nguyên nhiên liệu, thảm họa của biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, an sinh xã hội bị đe doạ, cạnh tranh thị trường, tranh chấp lãnh thổ và xung đột quốc gia trên biển thường xuyên và gay gắt hơn bao giờ hết. Trước một đại dương giàu có như vậy, thế giới đang thực sự tiến mạnh ra biển và đại dương ở thế kỷ 21 với các chiến lược biển (và đại dương) quốc gia đầy tham vọng.

Đặc biệt các “cường quốc biển” và các nước phát triển đang “đóng dần cửa biển quốc gia” ra khai thác đại dương để “lấy đại dương nuôi đất liền”. Thế giới cũng đang chuyển từ tư duy khai thác sang tư duy phát triển hiệu quả và bền vững; chuyển từ ưu tiên khai thác tài nguyên tươi sống, dạng thô sang chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng và tiết kiệm tài nguyên biển; chuyển từ chú trọng khai thác tài nguyên vật chất sang khai thác các giá trị chức năng, giá trị không gian của các hệ thống tài nguyên biển, trong đó có các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái biển và đại dương.

Biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương đang hiện hữu với các vấn đề đại dương cốt lõi thu hút sự quan tâm của thế giới. Đó là hiện tượng đại dương ấm lên, axit hóa đại dương, nước biển dâng, đại dương thiếu ôxy, gia tăng ô nhiễm biển, suy giảm nguồn lợi và suy thoái nguồn vốn tự nhiên biển. Đại dương và biển là môi trường sống của sinh vật, là một hệ thống động lực có khả năng điều chỉnh linh hoạt các tác động của những biến đổi môi trường toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu.

Các hệ sinh thái trong đại dương có các giá trị dịch vụ quan trọng, như hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, hệ rong tảo, thực vật phù du đều có khả năng thu giữ và cố định cacbon. Hoạt động của con người bổ sung thêm khoảng 7.000 tỷ tấn cacbon vào bầu khí quyển mỗi năm. Thực vật phù du biển cố định được 35-50 nghìn tỷ tấn, vì vậy nó có thể có tác động đáng kể đến chu trình cacbon toàn cầu, nhất là so với lượng con người bổ sung vào.

Theo các nhà khoa học trên thế giới, thực vật phù du hàng năm đã giúp giảm hơn 50 tỷ tấn cacbon thông qua việc hấp thụ khí CO2, một loại khí góp phần gây nên hiện tượng nóng lên của Trái đất. Người ta đã nghĩ đến việc bổ sung dinh dưỡng vào biển kích thích tăng trưởng thực vật phù du để tăng khả năng thu giữ khí CO2 và giảm hiệu ứng nhà kính. Hiện nay đại dương thế giới có thể thu giữ 30% lượng cacbon thừa của bầu khí quyển, và nếu chủ động tác động để các hệ thực vật biển và đại dương phát triển mở rộng thì khả năng này của đại dương còn tăng cao hơn nữa. Các nhà khoa học thế giới đã làm các thí nghiệm về khả năng rải bột sắt lên biển với tên gọi là “bón phân” cho đại dương, nhằm phục hồi “vành đai xanh”, kích thích sự phát triển của thảm thực vật dưới biển, bao gồm hệ thực vật phù du, rong biển, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn nghĩ đến việc lợi dụng một số “bẫy địa tầng” và các cấu trúc “rỗng” sau khai thác mỏ dưới lòng đất của đáy biển và đại dương để “chôn” khí cacbon thừa của bầu khí quyển, cũng như phát triển công nghệ thu nhiệt thừa của khí quyển để tái sử dụng... nhằm hỗ trợ giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trên quy mô toàn cầu. Trong một thế giới chuyển đổi với vai trò to lớn của biển và đại đương như vậy đòi hỏi các quốc gia biển, đảo, trong đó có Việt Nam, phải thay đổi tư duy phát triển và đổi mới công nghệ để giải quyết những thách thức mang tầm thời đại nói trên, hướng đến một nền kinh tế biển xanh và phát triển bền vững biển và đại dương.

Các nỗ lực bước đầu từ nhận thức đến hành động, ở cấp độ toàn cầu Tuyên bố Đại dương Manado đã được đại diện 92 quốc gia biển (bao gồm Việt Nam) ký thông qua ngày 14/5/2009 tại Manadô, Indonesia. Tuyên bố gồm 21 điểm nhấn mạnh đến vai trò của đại đương, biến đổi đại dương và biến đổi khí hậu, kinh tế đại dương xanh và các cam kết tăng cường bảo vệ sức khỏe đại dương và sử dụng nó giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Ngày 26/11/2009, trên tinh thần của Hội nghị Đại dương Thế giới tại Manado, Đại hội biển Đông Á lần thứ IV tại Manila, Philippines đã ra Tuyên bố Bộ trưởng 20 điểm về “Tăng cường thực hiện Quản lý tổng hợp vùng bờ để phát triển bền vững và Thích ứng với biến đổi khí hậu”. Bộ trưởng 10 nước Đông Á gồm Việt Nam đã ký bản tuyên bố này. Tuyên bố nhấn mạnh đến giải pháp lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu vào lập kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ khu vưc Đông Á và các quốc gia thành viên để hướng tới xây dựng một nền kinh tế biển xanh trong khu vực.

Diễn đàn Đại dương toàn cầu tại Rio+20 đã ra Tuyên bố Đại dương Rio+20, trong đó tiếp tục khẳng định biến đổi khí hậu đã tác động đến đại dương khiến cho sức khỏe đại dương thay đổi. Ngược lại, biến đổi đại dương cũng đang làm thay đổi sâu sắc trạng thái của hệ thống khí hậu. Vấn đề phát triển bền vững biển và đại dương trong chế độ khí hậu mới đã được đưa vào Chương trình Nghị sự Đại dương toàn cầu và bắt đầu triển khai kế hoạch giai đoạn 2012-2016 ở các cấp độ Hậu Rio+20.

Các nỗ lực đầu tiên Hậu Rio+20 là các nhà quản lý với sự hỗ trợ của các nhà khoa học đã tiến hành xây dựng một “Bộ chỉ số” để đánh giá sức khỏe đại dương với thông điệp “Một đại dương thế giới khỏe mạnh sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho con người hôm nay và mai sau”. Việc đánh giá dựa trên cơ sở 10 mục tiêu chính liên quan tới chức năng dịch vụ của đại dương, như cung cấp thực phẩm, cơ hội cho nghề cá thủ công, sản phẩm tự nhiên, lưu và giữ cacbon, bảo vệ bờ biển, sinh kế và kinh tế, du lịch và giải trí, các loài biểu tượng văn hóa, các vùng biển sạch và đa dạng sinh học biển. Bằng cách đánh giá theo trọng số của chỉ số (Index), các nhà khoa học đã thử đánh gía các vùng biển ven bờ và cho điểm trung bình (tối đa là 100) đối với 171 quốc gia ven biển, quốc đảo.

Kết quả cho thấy chỉ số toàn cầu là 60, chỉ số đánh giá quốc gia chỉ có 5% số quốc gia đạt điểm trung bình các chỉ số trên 70 và 32 quốc gia dưới 50, Việt Nam vừa đạt đúng 50 điểm. Các chương trình hành động toàn cầu về quản lý ô nhiễm biển từ nguồn đất liền (GPA) đã đưa ra cách tiếp cận “kết nối lục địa – biển” và đã thành lập mạng lưới các đối tác ở cấp độ toàn cầu, khu vực và đang kêu gọi thành lập ở cấp quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ở khu vực APEC, các nền kinh tế đã tổ chức các Diễn đàn về Kinh tế biển xanh: lần thứ nhất vào tháng 11/2011 tại Hạ Môn, lần thứ hai vào tháng 12/2012 tại Thiên Tân, Trung Quốc.

Tiếp theo vào tháng 6/2013, tại Bali, Indonesia đã tổ chức Hội nghị châu Á về Đại dương, An ninh thực phẩm và Tăng trưởng xanh lam (ACOFB-2013). Chủ đề của Đại hội biển Đông Á lần thứ IV tổ chức tại Chongwon, Hàn Quốc (7- 2012) là “Xây dựng một nền kinh tế biển xanh ở các quốc gia Đông Á”, với sự cam kết của 10 quốc gia thành viên xây dựng một nền kinh tế dựa vào biển cùng với vai trò của sáng tạo khoa học và đổi mới công nghệ.

Tháng 12/2013, tại Washington DC, Hoa Kỳ kết hợp với Thụy Điển đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh tế Đại dương hướng tới Tăng trưởng xanh. Đây là diễn đàn quan trọng cho các nhà lãnh đạo cấp cao của một số quốc gia biển, một số tổ chức quốc tế chia sẻ nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế biển và đại dương xanh ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Theo đó, hội nghị nhấn mạnh đến các chủ đề chính là lượng giá các giá trị dịch vụ của các hệ thống tài nguyên biển/ đại dương, bao gồm các hệ sinh thái; lồng ghép các dịch vụ hệ sinh thái biển vào lập kế hoạch đầu tư phát triển, nhấn mạnh đến các khu bảo tồn biển; phát triển năng lượng biển và đại dương, năng lượng tái tạo, an ninh thực phẩm và hàng hải xanh. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển xanh, chú trọng bảo vệ nguồn lợi biển, đường cao tốc trên biển, phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn nguồn vốn tự nhiên biển. Vai trò của công nghệ và đổi mới công nghệ biển và đại dương trong phát triển kinh tế và xử lý môi trường biển. Các thách thức kinh tế và sinh thái, nhấn mạnh đến chất thải và ô nhiễm biển, nhu cầu quy hoạch không gian biển và thách thức với tăng trưởng xanh và những thực hành tốt về quản trị biển và đại dương.

Bài 2-Nâng cao chất lượng môi trường và kích thích tăng trưởng 

Văn Hào (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế biển
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế biển

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN