Thầy Hùng nhớ lại, năm 2002 khi thầy tình nguyện ra đảo, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thổ Châu chỉ có 6 phòng chức năng; trong đó một phòng dành cho ban giám hiệu nhà trường, đồng thời là nơi hội họp. 5 phòng còn lại dành cho học sinh học tập. Thời điểm đó, mỗi khối có một lớp, lớp nhiều nhất khoảng 20-25 học sinh, lớp ít nhất từ 12-13 học sinh. Buổi ban đầu tuy còn bỡ ngỡ nhưng sự thân thiện của học sinh vùng đảo, sự nhiệt tình giúp đỡ của đồng nghiệp đã giúp thầy Hùng bắt nhịp rất nhanh với công việc.
Thầy Hùng hàng ngày lên lớp dạy chữ cho con em ngư dân trên đảo Thổ Chu - Hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. |
Điều mà thầy nhớ nhất trong 14 năm công tác tại xã đảo là dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đầu tiên trên mảnh đất này. Đêm đó, một học sinh nam lớp 7 rụt rè mang đến tặng thầy một hộp quà, trong đó có một ít cá khô và một cuốn sổ nhỏ đã cũ (có lẽ em đã dành dụm từ lâu). Thầy Hùng xúc động vô cùng, bởi món quà đơn sơ nhưng chan chứa tình cảm kính trọng của học trò nghèo.
Những tình cảm chân thành ấy như tiếp thêm động lực để thầy gắn bó với xã đảo này. Do đặc thù của xã đảo, học sinh còn thiếu thốn nhiều thứ. Để nâng cao chất lượng học tập của học sinh, thầy Hùng đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm như: Nâng cao kĩ năng dùng từ cho học sinh khối trung học cơ sở; công tác bồi dưỡng học sinh khá giỏi; phương pháp viết văn nghị luận ở lớp 9; phương pháp đọc - hiểu văn bản…
Nhờ sự dìu dắt của thầy, nhiều thế hệ học sinh đã có thành tích học tập tốt và thành đạt. Nhiều em hiện làm việc ở các cơ quan của địa phương; trong đó có 3 học sinh trở lại xã đảo công tác.
Thầy Phạm Văn Tiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thổ Châu cho biết, trong công việc thầy Hùng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; với đồng nghiệp, thầy Hùng luôn hòa đồng, sống có trách nhiệm. Đặc biệt, thầy Hùng biết đưa phương pháp giáo dục mới với quan điểm lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, qua đó tạo không khí dân chủ, cởi mở giữa thầy và trò.
Bên cạnh đó, việc tích hợp lồng ghép giữa các phân môn và các kỹ năng sống trong giờ học về bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn, tình hình biển đảo... đã giúp các em có cái nhìn bao quát hơn về đất nước, xã hội, biết đánh giá được cái tốt, cái xấu rồi từ đó tự điều chỉnh hành vi, tham gia học tập tốt giúp ích cho gia đình và xã hội. Vì thế, mỗi giờ lên lớp, thầy Hùng luôn cố gắng tạo không khí cởi mở, tránh căng thẳng, nặng nề với học sinh. Cả thầy và trò cùng học, cùng tìm hiểu khám phá cái hay, cái đẹp của bài học.
Với sự tận tụy "gieo chữ" nơi xã đảo tiền tiêu trong 14 năm qua, thầy Lương Quốc Hùng đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các ngành, các cấp. Ngày 12/11/2016, thầy Hùng là một trong 42 cá nhân được vinh danh tại lễ tuyên dương giáo viên tiêu biểu năm 2016 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức tại Hà Nội.