Đây cũng là dịp để các cấp, các ngành và các địa phương thể hiện ý chí, quyết tâm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, sớm đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên các vùng biển, đảo. Nhân Tuần lễ này, TTXVN giới thiệu chùm 2 bài viết “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”.
Bài 1: Chiến lược biển hướng tới bảo đảm sinh kế cho người dân
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ hướng phát triển bền vững kinh tế biển cả về môi trường và sinh kế của người dân.
Cấp bách thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, với vai trò là Cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2091/BTNMT- TCBHĐVN ngày 15/4/2020 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đề nghị triển khai một số công việc cấp bách như: sớm kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất thực hiện Chiến luợc phát triển bền vững kinh tế biển ở các địa phương có biển do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người đứng đầu và tăng cường cơ sở vật chất, năng lực quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Biển và Hải đảo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.
Bộ cũng đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của bộ, ngành, địa phương mình, tập trung và ưu tiên nguồn lực triển khai ngay các đề án, dự án, nhiệm vụ, nhất là các khâu đột phá chiến lược đến năm 2025 được nêu trong Nghị quyết; nghiên cứu lồng ghép các nội dung của Nghị quyết vào trong văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 của các địa phương có biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chương trình, đề án Chính phủ làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương liên quan cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP.
Đẩy nhanh thực hiện chiến lược biển
Mặc dù tình hình quốc tế, khu vực và kinh tế - xã hội trong nước có nhiều biến động, phức tạp, khó khăn, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tổ chức triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đã được tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và từng bước thể chế hóa. Các chủ trương lớn của Nghị quyết được đẩy mạnh triển khai và bước đầu đạt kết quả tích cực, cụ thể trong phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Nhiều địa phương có biển đã từng bước hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển và đại dương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong thời gian qua, quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW còn chậm; đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp khắc phục kịp thời như: hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ; cơ chế điều phối liên ngành về phát triển bền vững kinh tế biển chưa được hoàn thiện, vận hành và phát huy hiệu quả. Nguồn lực (con người, tài chính và khoa học - công nghệ) để hiện thực hóa các chủ trương, giải pháp và khâu đột phá nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW còn hạn chế; chưa có hệ thống chỉ tiêu thống kê các ngành kinh tế biển làm cơ sở cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như hoạt động của các ngành kinh tế biển, các địa phương có biển.
Trước tình hình trên, nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong dự thảo Chỉ thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan, tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung, tăng cường triển khai đồng bộ các khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW; đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 26/NQ-CP (tập trung vào 42 đề án, dự án, nhiệm vụ đến năm 2025); đa dạng hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức và vận hành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý về biển, hải đảo có đủ phẩm chất và năng lực; đồng thời, rà soát các Chương trình/Kế hoạch hành động đã ban hành đảm bảo phù hợp với tình hình mới và bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo dự thảo Chỉ thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung thực hiện một số nhóm nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa 3 khâu đột phá xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW (thể chế; khoa học - công nghệ và nhân lực; kết cấu hạ tầng), tạo chuyển biến, động lực thúc đẩy việc hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Bài cuối: Quản lý môi trường đi đôi với phát triển kinh tế biển