Thực hiện nhiệm vụ này, trong những năm qua, các cấp chính quyền, các ngành chức năng, các nghiệp đoàn nghề cá tỉnh Quảng Nam thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền dưới nhiều hình thức và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính để giúp ngư dân, nhất là các thuyền trưởng, các chủ tàu không vi phạm nội dung này trong quá trình làm ăn trên biển.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng mất thông tin liên lạc, mất tín hiệu giám sát hành trình trên tàu cá vẫn còn diễn ra, nguy cơ xâm phạm vùng ngư trường nước ngoài vẫn còn hiện hữu.
Cơ quan chức năng xác định, trong 3 tháng đầu năm 2024, đã có 44 tàu khai thác xa bờ của tỉnh Quảng Nam mất kết nối thông tin liên lạc, mất kết nối giám sát hành trình khi khai thác hải sản trên vùng biển xa. Số tàu cá mất kết nối giám sát hành trình chủ yếu tập trung ở huyện Núi Thành, là địa phương có đội tàu khai thác hải sản xa bờ hùng mạnh nhất tỉnh. Trong số 44 tàu vi phạm về thiết bị thông tin liên lạc, giám sát hành trình nói trên, phần lớn là tàu có chiều dài hơn 15 mét, chuyên làm nghề câu mực dài ngày ở ngư trường xa bờ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Ngô Tấn cho biết, ngay sau khi phát hiện nhóm tàu vi phạm các quy định về thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thông tin liên lạc khi đang làm ăn trên biển, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển, các nghiệp đoàn nghề cá làm việc với các chủ tàu bị mất kết nối giám sát hành trình nhằm đề ra giải pháp xử lý dứt điểm, không để tình trạng này lan ra diện rộng.
Ông Huỳnh Quốc Việt, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu câu mực mang số hiệu QNa-90749TS ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành cho biết, trước khi xuất bến, tất cả các phương tiện đều được bộ đội biên phòng kiểm tra chặt chẽ, phương tiện đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mới được xuất bến. Tuy nhiên, trong quá trình làm ăn trên biển, có lẽ do thời tiết liên tục thay đổi, nên tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình hoạt động không ổn định, hoạt động chập chờn, rồi mất tín hiệu.
Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Giang, huyện Núi Thành Phan Trinh chia sẻ, hầu hết tàu đánh cá có công suất lớn của ngư dân xã Tam Giang nói riêng và huyện Núi Thành nói chung đều được trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại như: máy định vị, máy bộ đàm tầm trung, tầm xa, máy thăm dò cá. Riêng các thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thông tin liên lạc được các đơn vị như Viettel, VNPT, Vishipel cung cấp. Do vậy để xác định nguyên nhân thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thông tin liên lại trên tàu cá của ngư dân hoạt động không ổn định, bị mất tín hiệu là do nguyên nhân khách quan hay ngư dân chủ động ngắt kết nối thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Trước phản ánh của ngư dân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, đã giao Chi cục Thủy sản tỉnh khẩn trương phối hợp với các nhà mạng cung cấp dịch vụ trên tàu cá để tìm nguyên nhân gây mất kết nối giám sát hành trình trong quá trình làm ăn trên biển là do nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Nếu lỗi kỹ thuật thì các nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm khắc phục cho ngư dân. Trong trường hợp các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân mất kết nối giám sát hành trình do ngư dân cố tình ngắt kết nối thì mức phạt sẽ lên đến 700 triệu đồng cho mỗi trường hợp.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ năm 2023 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã phát hiện và xử phạt hành chính 134 vụ vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng, trong đó có có 56 lượt tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trên 10 ngày trở lên đã bị xử phạt. Cùng với việc xử phạt hành chính, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các chủ tàu cá này phải khôi phục đầy đủ các thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thông tin liên lạc trên các phương tiện của mình mới được tiếp tục hành nghề.
"Mùa cá Nam năm 2024 đã bắt đầu. Để đảm bảo làm ăn lâu dài bền vững trên biển, ngoài việc nâng cao năng lực đi biển, nâng cao khả năng bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, việc trang bị đầy đủ và duy trì hoạt động ổn định, liên tục của các phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên mỗi phương tiện là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả tàu cá, nhất là tàu có công suất lớn, làm ăn dài ngày ở ngư trường xa bờ. Các thiết bị giám sát hành trình đảm bảo hoạt động liên tục và thông suốt là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để góp phần gỡ bỏ "thẻ vàng" do Ủy ban châu Âu đưa ra, để khai thác thủy sản thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững của địa phương", ông Ngô Tấn chia sẻ.