Đặc biệt, việc thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để quản lý tàu cá được tỉnh xác định là giải pháp căn cơ nhất phải ưu tiên thực hiện. Tỉnh đã phổ biến, vận động ngư dân sớm triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 15m. Các chủ tàu cá đã chấp hành tốt việc gắn thiết bị giám sát hành trình.
Đến nay, tỉnh đã có 708 tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình, số tàu cá còn lại chưa lắp do một số nguyên nhân do đang làm thủ tục sang nhượng, chủ tàu gặp khó khăn về tài chính, tàu làm ăn thua lỗ đang nằm bờ, tàu hư hỏng. Về cơ bản, tất cả tàu cá của Ninh Thuận hiện đang hoạt động tại các vùng khơi đã được giám sát thông qua hệ thống quản lý và giám sát tàu cá VMS của Tổng cục Thủy sản.
Ông Đặng Văn Tín cho biết thêm, với mỗi tàu cá, sau khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và bật thiết bị khi hoạt động khai thác hải sản trên biển sẽ được truyền tín hiệu về Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh. Qua đó, cơ quan chức năng sẽ theo dõi, hướng dẫn ngư trường giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam và các nước lân cận để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm, hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố trên các vùng biển. Nếu phát hiện tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không mở máy 24/24 giờ khi hoạt động khai thác hải sản trên biển cơ quan chức năng sẽ nhắc nhở, xử lý nghiêm.
Để kiểm soát việc thực thi quy định, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, các đơn vị chức năng tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá, thuyền viên, thiết bị an toàn tàu cá, vệ sinh thực phẩm, ngư lưới cụ, kiểm soát sản lượng và giám sát ghi nhật ký khai thác tại Văn phòng kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Đông Hải (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) và cảng cá Cà Ná (huyện Thuận Nam); kiên quyết không cho phương tiện ra khơi khi không đầy đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định.
Song song với đó, để giúp ngư dân nhận thức được việc khai thác thủy sản đúng quy định, Chi cục thủy sản tỉnh phối hợp các địa phương, lực lượng bộ đội biên phòng các địa phương thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức như mở lớp tuyên truyền tại các xã biển, đồn biên phòng, sử dụng loa phát thanh, nhắn tin qua điện thoại, in ấn tờ rơi, pano, cho bà con ký cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp. Ngoài ra, thông tin sơ đồ, bản đồ ranh giới biển, khu vực, vùng cấm khai thác để ngư dân nắm rõ.
Ngư dân Phạm Văn Sang, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải cho hay, qua các lớp tuyên truyền, cán bộ Chi cục Thủy sản và bộ đội biên phòng ở địa phương đã nói cụ thể về 14 hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp theo Luật Thủy sản 2017 và những điều cần chú ý khi khai thác hải sản trên biển, giúp bà con nắm vững hơn các quy định pháp luật để đánh bắt bảo đảm an toàn và tránh các vi phạm không đáng có. Nhờ vậy, ngư dân cũng đồng hành với lực lượng chức năng để góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc.
Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, đến nay Ninh Thuận đã tổ chức trên 150 lớp tuyên tuyền cho hàng nghìn lượt chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân nhận thức rõ những tác hại khi vi phạm khai thác bất hợp pháp; tổ chức cho gần 3.000 lượt chủ tàu ký cam kết không đưa tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Xác định khai thác hải sản được kiểm soát chặt sẽ góp phần đảm bảo nghề cá phát triển hiệu quả, bền vững, thời gian tới cùng với triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ với trọng tâm là tổ chức, sắp xếp hoạt động nghề cá theo hướng phát triển các tổ, đội đoàn kết trên biển, không để tình trạng tàu cá đi đánh bắt xa bờ hoạt động đơn lẻ, không đảm bảo an toàn.
Hiện, tỉnh đang tập trung phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ bằng các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, nâng công suất tàu cá, đào tạo nghề, lắp đặt các trang thiết bị hàng hải hiện đại.
Ninh Thuận có đường bờ biển dài hơn 105 km và những năm qua, sản lượng thủy sản khai thác hàng năm của tỉnh đều đạt trên 100.000 tấn; trong đó, sản lượng khai thác vùng khơi chiếm khoảng 65%.