Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công cho cảng cá

Sau gần 4 năm Việt Nam triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Ủy ban châu Âu (EC) đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam; đồng thời khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và tiến tới sớm gỡ được thẻ vàng, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến về những giải pháp khắc phục vấn đề này.

Chú thích ảnh
Cải tạo, nâng cấp, mở rộng Cảng cá Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN

Xin Thứ trưởng cho biết về tình hình thực hiện việc chống khai thác IUU của Việt Nam trong thời gian qua?

Từ năm 2012 đến nay, có 27 nước đã bị EC cảnh báo thẻ. Trong số 21 quốc gia bị thẻ vàng thì 14 quốc gia đã rút được, còn 7 quốc gia chưa gỡ được; trong đó có Việt Nam. Có 6 quốc gia bị thẻ đỏ; trong đó 3 quốc gia đã gỡ được. Theo nguyên Phó Thủ tướng Chiinsh phủ Trịnh Đình Dũng, sau gần 4 năm bị EC cảnh cáo thẻ vàng IUU, Việt Nam đã có phong trào vào cuộc của cả hệ thống chính trị để gỡ thẻ vàng.

Hiện nay, cường lực khai thác của Việt Nam đã giảm theo Luật Thủy sản. Hạn ngạch khai thác giao dựa theo số lượng tàu thuyền thực tiễn. Việc cấp mới tàu chỉ đối với tàu khai thác xa bờ, quy mô lớn để vừa khai thác được nguồn lợi vừa đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, hạ tầng thủy sản trong nhiều năm qua không được quan tâm đầu tư, rất nhếch nhác. Dù có cảng cá thì các tiêu chí của cảng cá để đảm bảo hợp vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất hạn chế, chưa nói đến công suất cảng đảm bảo cho tàu vào bờ.

Luật Thủy sản có hiệu lực từ năm 2019, đến nay thời gian thực thi luật chưa phải là dài. Thời gian vừa qua, thực hiện Chỉ thị 81-CV/TW về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Thường trực Ban Bí thư đến các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng địa phương làm rất quyết liệt.

Kết quả là Việt Nam đã có sự chuyển biến rất tích cực từ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ kiểm soát tốt và được EC đánh giá là đi đúng hướng và chuyển biến tích cực.

Những hạn chế nào mà EC còn chỉ ra với nghề cá Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Có 4 hạn chế mà EC chỉ ra với Việt Nam. Một là hệ thống quy phạm pháp luật, trong quá trình tổ chức thực hiện, những quy định nào còn chưa phù hợp với thực tiễn, khuyến nghị của EC thì chúng ta phải sửa. Do đó, năm nay Việt Nam sẽ sửa đổi: Nghị định 67/2014/NĐ-CP Về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và thông tư quy định về hoạt động kiểm ngư.

Hai là quản lý đội tàu, việc vi phạm các vùng biển nước ngoài tuy có giảm rất nhiều so với các năm trước nhưng vẫn còn. EC đã khẳng định còn tàu vi phạm thì sẽ không gỡ được thẻ vàng. Đây là vấn đề rất nan giải. Vấn đề này, Chính phủ đã giao Bộ Quốc Phòng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời gian vừa qua, Bộ Quốc Phòng đã rất tích cực để theo dõi, giám sát hệ thống tàu cá Việt Nam.

Thứ ba là truy xuất nguồn gốc thủy sản, đó là việc khai thác ở vùng biển nào, sản lượng, phân loại… Đây là vấn đề đã tồn tại lâu đời cùng với hạ tầng yếu kém. EC kiểm tra rất kỹ việc này, từ khai thác, đến cấp cảng, việc phân loại, đưa vào nhà máy chế biến, xuất khẩu như thế nào, thậm chí kiểm tra cả nguồn gốc hàng nhập khẩu về chế biến. Tất cả đều phải kiểm đếm và có quy trình chặt chẽ. Việc này Việt Nam chưa hoàn thiện tốt cũng bởi cơ sở vật chất còn yếu kém. Cho nên việc quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư là việc thực thi pháp luật. Trong thời gian từ 2019 đến nay, thời gian thực hiện Luật Thủy sản chưa dài. Mặc dù chúng ta đã thực hiện rất tốt thông tin truyền thông ở các cảng cá, bến cá, cùng với việc phổ biến kiến thức, tài liệu đến ngư dân nhưng sự hiểu biết và nắm vững hệ thống pháp luật của các địa phương, doanh nghiệp, ngư dân còn hạn chế. Do vậy, có địa phương thì xử lý phạt và yêu cầu khắc phục hậu quả, có địa phương chỉ nhắc nhở, có địa phương chỉ lập biên bản. Như vậy, việc thực thi pháp luật còn không đồng bộ giữa các tỉnh dẫn đến tình trạng nhiều khi tàu cá không vào cảng này thì sẽ vào cảng kia.

Như vậy có thể thấy sự vào cuộc của chính quyền địa phương nhiều nơi còn mờ nhạt trong việc khắc phuc thẻ vàng IUU. Vậy thời gian tới với một hệ thống chính quyền mới, theo Thứ trưởng các cấp cần vào cuộc đồng bộ như thế nào?

Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên các Thành ủy, Tỉnh ủy phải tập trung vào cuộc thực hiện theo Chỉ thị 81-CV/TW. Nếu không gỡ được thẻ vàng thì Việt Nam bị nguy cơ thẻ đỏ rất cao và điều này sẽ ảnh hưởng ngay tới hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Thời gian vừa qua, các lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra từng cảng cá, bến cá, xem kỹ việc thực hiện ghi hồ sơ nhật ký nhưng việc này ở các địa phương, các đồng chí lãnh đạo chưa quan tâm nhiều. Một số  tỉnh còn chưa quan tâm, hay quan tâm chưa đúng mức.

Do vậy trong giai đoạn mới, với tổ chức Chính phủ mới thì trước hết cần sớm tổ chức kiện toàn lại Ban chỉ đạo quốc gia và chỉ đạo ngay công việc để kế thừa và nối tiếp kết quả đạt được. Bởi nếu không sớm làm việc này thì chúng ta sẽ để một khoảng trống và kết quả đạt được sẽ không được phát huy.

Cùng với đó, các địa phương cũng phải cơ cấu lại bộ phận này để từ địa phương lên Trung ương và từ Trung ương xuống địa phương phải được thực thi một cách liên tục thì chúng ta mới sớm gỡ được thẻ vàng.

Như Thứ trưởng vừa chia sẻ, các cảng cá, bến cá của Việt Nam còn nhiều yếu kém. Vậy, trong thời gian tới, việc đầu tư cho hệ thống này cần được quan tâm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác cũng như khắc phục thẻ vàng IUU?

Việc đầu tư vào hạ tầng thủy sản; trong đó có nâng cấp các cảng cá, bến cá được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm, tiếp tục tập trung đầu tư.

Trong  đầu tư công của Bộ trong trung hạn 2021-2025, Bộ đã có rà soát, đánh giá và nâng cao kinh phí đầu tư công trung hạn cho hạ tầng thủy sản; đặc biệt là cảng cá, bến cá. Hiện Bộ đã rà soát và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp để trình Quốc hội thời gian tới, điều này góp phần thực thi Luật Thủy sản tốt hơn cũng như gỡ thẻ vàng IUU.

Ngoài nguồn lực của Trung ương thì các tỉnh cũng cần có nguồn lực đầu tư.  Cùng với đó, các địa phương phải củng cố các ban quản lý cảng cá, nhân lực có chuyên môn và các trang thiết bị để kết nối để phát hiện sớm các tàu cá vi phạm.

Với sự quan tâm, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương với Ban chỉ đạo quốc gia đến các tỉnh cùng vào cuộc thì mới có thể nhanh chóng gỡ thẻ vàng.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bích Hồng (TTXVN)
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Tháo gỡ những vướng mắc phát sinh
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Tháo gỡ những vướng mắc phát sinh

Tỉnh Cà Mau hiện đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục “thẻ vàng” IUU, tuy nhiên, trong quá trình này lại phát sinh nhiều vướng mắc được các cơ quan chức năng cùng tháo gỡ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN