Gian truân nghề giáo vùng biển

13 năm gắn bó với học sinh xã đảo, cô giáo Trần Thị Anh không nhớ hết đã bao lần đến từng nhà vận động học sinh đến lớp.

13 năm gắn bó với học sinh Trường Tiểu học Ngư Lộc 2 - một trong những ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của xã đảo Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, với tình yêu nghề, yêu trẻ, cô giáo Trần Thị Anh đã luôn nỗ lực, cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, yêu thương trò như chính con ruột của mình.


Với những cống hiến của mình, cô vinh dự là 1 trong số 42 giáo viên biển đảo toàn quốc được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016”. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.


Sinh ra trong một gia đình nghèo ven biển, ngay từ nhỏ, Trần Thị Anh đã thấu hiểu được nỗi vất vả, gian nan của học sinh nghèo trên con đường đi tìm con chữ. Hình ảnh các em học sinh phụ giúp cha mẹ vá lưới và chuẩn bị ngư cụ cho mỗi chuyến ra khơi đã trở nên quen thuộc đối với bà con nhân dân trên đảo. 


Cùng chung cảnh ngộ như bao đứa trẻ khác, nhưng với niềm đam mê và ước mơ cháy bỏng được trở thành cô giáo, đem sự hiểu biết đến với trẻ em vùng biển, Trần Thị Anh đã nỗ lực không ngừng trên con đường chinh phục tri thức. Năm 1999, sau bao nỗ lực không mệt mỏi, Trần Thị Anh thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Vinh. Năm 2003, niềm vui được nhân lên khi tốt nghiệp ra trường, Trần Thị Anh được phân công về giảng dạy tại Trường tiểu học Ngư Lộc 2.


Chia sẻ về những khó khăn khi công tác tại một trường nghèo thuộc xã đảo Ngư Lộc, cô giáo cho biết: Trường Tiểu học Ngư Lộc 2 là một trong những ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của xã đảo Ngư Lộc. Học sinh đa phần là con của các ngư dân đánh bắt hải sản trên đảo, kiếm sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, cuộc sống của các em bấp bênh theo cha mẹ. Vì việc đánh bắt khó khăn nên bố mẹ các em phải đi làm ăn xa, hầu hết các em thiếu sự quan tâm, chăm sóc nhắc nhở của cha mẹ trong học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày.


13 năm gắn bó với học sinh xã đảo, cô giáo Trần Thị Anh không nhớ hết đã bao lần đến từng nhà vận động học sinh đến lớp. Tình trạng học sinh tại các khu vực này bỏ học nhiều bắt nguồn từ tập quán của những cư dân miền biển. Do hàng ngày cha mẹ các em phải làm nghề đánh bắt xa bờ, vài ba tháng mới trở về đất liền nên không có điều kiện quan tâm nhiều đến con cái. Số đông phụ huynh xuất phát từ trình độ dân trí thấp, không ít gia đình còn quan niệm “có học nhiều đến đâu rồi cũng ra khơi đánh bắt”. Từ ý thức hệ như vậy, dẫn đến một số em khi được sinh ra ở miền biển chưa có định hướng tốt để xác định việc học.


Biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn khi đứng trên bục giảng, tuy nhiên, kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô giáo Trần Thị Anh là năm học đầu tiên về trường và được phân công chủ nhiệm lớp 5D. Trong lớp có nhiều học sinh cá biệt, có hoàn cảnh khó khăn. Đến ngày thi tốt nghiệp, trong lớp có em Nguyễn Văn Dương vì gia đình quá khó khăn, bố mất sớm, nhà đông em, nên em có ý định bỏ thi để tìm kế mưu sinh. 


Sau nhiều lần đến tận nhà vận động Dương tham dự kỳ thi tốt nghiệp không thành, cô đã khóc vì không biết làm cách nào để giúp em có tương lai tốt hơn. Đến ngày thi, cô đã quyết tâm cùng với các thầy giáo trong trường đến tận thuyền vận động Dương đi thi. Học trò đã hiểu được tình cảm của cô giáo nên đã cùng cô lên bờ tham dự kỳ thi tốt nghiệp...


Cô giáo Phạm Thị Hải, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngư Lộc 2, cho biết: Hơn chục năm gắn bó với nghề, cô giáo Trần Thị Anh cùng với các thầy, cô giáo trong trường còn phát động nhiều phong trào, tạo sân chơi lành mạnh để các em thấy được mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui. 


Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Anh còn như một một người mẹ hiện thường xuyên quan tâm, sâu sát đến đời sống, hoàn cảnh của từng học sinh. Khi phát hiện có học sinh có ý định bỏ học, cô đã cùng các thầy cô giáo trong trường đến tận nhà vận động các em tới lớp.


Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền cô giáo Trần Thị Anh đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Năm học 2015 - 2016, cô được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen.


Khiếu Tư (TTXVN)
Thầy giáo xung phong ra Côn Đảo "trồng người"
Thầy giáo xung phong ra Côn Đảo "trồng người"

Ở trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Thị Sáu (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), ai cũng khen thầy Phan Bá Hường là một giáo viên giỏi, nhiệt tình, hăng say trong công việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN