Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi chia sẻ về nỗ lực của các địa phương trong việc giải quyết nạn ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam; thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa theo Quyết định 1746/QĐ-TTg và Chỉ thị 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại hội thảo, UBND tỉnh Quảng Bình, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại tỉnh Quảng Bình.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết: Hội thảo là cơ hội để đại diện các cơ quan ở Trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan đến giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và tình hình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg và Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được phê duyệt theo Quyết định số 1426/QĐ-BTNMT ngày 2/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao làm chủ Dự án. Dự án được Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân của Cộng hoà Liên bang Đức tài trợ. Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.
Dự án có 4 hợp phần chính gồm: truyền thông, hỗ trợ chính sách, đô thị giảm nhựa và khu bảo tồn biển. Dự án được triển khai trên 7 tỉnh, thành phố, huyện gồm: tỉnh Hà Tĩnh, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), thành phố Đà Nẵng, tỉnh Phú Yên, tỉnh Long An, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) và 3 khu bảo tồn biển gồm: Cù Lao Chàm, Côn Đảo và Phú Quốc.
Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia của WWF-Việt Nam, cho biết: Với mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, WWF-Việt Nam đánh giá cao sự tham gia chỉ đạo và cam kết của Chính phủ Việt Nam nói chung, của thành phố Đồng Hới nói riêng trong các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển. Đối với thành phố Đồng Hới, sự quyết tâm chỉ đạo và nỗ lực của các cấp chính quyền cùng sự tham gia tích cực của người dân là những yếu tố quan trọng nhất mang đến sự thành công của Dự án, tạo tiền đề xây dựng thành phố Đồng Hới trở thành một đô thị giảm nhựa trong thời gian không xa.
Theo các số liệu báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2019, thành phố Đồng Hới là một trong những địa phương đang chịu sức ép ngày một tăng từ nạn ô nhiễm rác thải nhựa. Tính trên toàn tỉnh Quảng Bình, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh vào khoảng 466 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom và xử lý đạt khoảng 77,4%. Toàn tỉnh có 13 bãi chôn lấp, nhưng hiện tại chỉ có 8 bãi chôn lấp đang hoạt động. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý rác thải (công xuất xử lý 245 tấn/ngày tại huyện Bố Trạch và 200 tấn/ngày tại huyện Quảng Trạch), 1 lò đốt rác thải (công suất 330 kg/giờ tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, đi vào hoạt động từ năm 2018).
UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, theo đó nêu cao trách nhiệm quản lý, triển khai, thúc đẩy những hành động thiết thực nhằm hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hoàng cho biết: Thành phố Đồng Hới nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung đã có những hành động chống lại nạn ô nhiễm rác thải nhựa trong thời gian qua như phong trào “Ngày toàn dân thu gom rác thải” vào Chủ nhật tuần thứ hai của các tháng trong năm. Chính quyền thành phố yêu cầu các xã, phường thực hiện việc tuyên truyền thường xuyên, lồng ghép các hoạt động giảm đồ nhựa, thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Với sự tham gia Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, tỉnh Quảng Bình sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn lực hơn, nhiều sự hỗ trợ kỹ thuật hơn từ các chuyên gia quốc tế cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác; từ đó đưa ra kế hoạch hành động với những giải pháp cụ thể, sáng tạo và hiệu quả nhằm hạn chế lượng rác thải rắn sinh hoạt nói chung, rác thải nhựa nói riêng tại địa phương.