Nguy cơ rác thải nhiều hơn… cá
Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, tình trạng “ô nhiễm trắng” này được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu.
Báo cáo của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho thấy, ngành Thủy sản có thể không sử dụng quá nhiều nhựa ô nhiễm, nhưng lại có tỷ lệ rò rỉ rác thải (vứt bỏ ra môi trường đại dương và sông ngòi) cao thứ hai sau lĩnh vực sản xuất bao bì.
Thói quen vứt bỏ ngay rác thải, ngư cụ hỏng trên biển khiến rác thải nhựa chiếm tới 92% về số lượng rác trên bờ biển trong khảo sát mà IUCN thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác cũng về rác thải nhựa trên biển của IUCN cho thấy, chỉ có 1% rác thải nhựa nổi lên mặt biển, 5% rác thải nhựa ở gần bờ biển. Điều này minh chứng số lượng rác thải nhựa trên biển nhìn thấy chỉ là con số quá nhỏ so với số lượng thực tế.
Chia sẻ về những ảnh hưởng đang gặp phải của ngành Thủy sản địa phương trước sự "tấn công" của rác thải nhựa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh Nguyễn Văn Công cho biết: Tỉnh Quảng Ninh có 250 km đường bờ biển, với trên 6.100 km2 mặt biển, 40.000 ha bãi triều và trên 20.000 ha eo vịnh. Tỉnh hiện có 8.123 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động ngoài khơi là 238 tàu và 14.506 ô lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trồng tập trung. Đây vừa là lợi thế phát triển thủy sản giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện cho lĩnh vực thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhưng cũng đặt ra những áp lực đáng kể lên công tác bảo vệ môi trường.
Trên thế giới, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất. Theo báo cáo của nhóm các khoa học môi trường Mỹ và Australia mang tên Jambeck năm 2015, rác thải nhựa đang gây ra những mối nguy hiểm nghiêm trọng cho các loài sinh vật biển. Hiện có khoảng 70% mảnh nhựa lớn trên biển và 46% đảo rác lớn trong khu vực Thái Bình Dương được hình thành từ các ngư cụ, mỗi năm trên thế giới có khoảng 640.000 tấn ngư cụ bị bỏ lại trên biển. Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới có lượng rác thải nhựa quản lý chưa hiệu quả, với tổng lượng rác thải nhựa ra đại dương ước tính từ 0,28-0,73 triệu tấn mỗi năm.
Với số lượng lồng bè kể trên, Quảng Ninh là tỉnh ven biển có số lượng lồng bè nuôi thuỷ sản lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, do phần lớn lồng bè được nuôi ở vùng biển mở, nên dễ bị ảnh hưởng bởi bão, gió, lốc dễ gây hư hỏng phao xốp và các công trình nuôi.
Hiện tại, lượng phao xốp sử dụng cho nuôi lồng bè tỉnh Quảng Ninh chiếm khoảng 50% số lượng lồng nuôi (50% còn lại sử dụng các vật liệu thay thế) và số lượng phao xốp có thể lên đến hơn 15.000 quả xốp. Riêng Vịnh Hạ Long trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng rác thu gom được là hơn 350 tấn ngoài vịnh. Đây đều là những con số biết nói và nếu không có giải pháp hữu hiệu để thay thế, gia cố, thì vấn đề ô nhiễm rác xốp trên biển sẽ ngày càng gia tăng.
Cấp bách thực hiện bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản
Ngày 4/12/2018, Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch Hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương bao gồm các mục tiêu cụ thể vào năm 2030: Giảm khoảng 75% luợng rác thái nhựa; thu gom 100% lưới đánh cá bị thất lạc, bỏ đi; 100% các vùng ven biển, các điểm du lịch, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Báo động về tình trạng rò rỉ rác thải nhựa trong hoạt động thủy sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân cho biết: "Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, tình trạng “ô nhiễm trắng” này được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng. Để hiện thức hóa Quyết định 1746 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới ngành Thủy sản có trách nhiệm và phát triển bền vững, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang thực hiện việc xây dựng Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030".
Mới đây nhất, Tổng cục Thủy sản đã ký kết ghi nhớ hợp tác cùng IUCN và và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) thực hiện các biện pháp cấp bách quản lý rác thải nhựa đại dương hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống của các loài thủy hải sản trong giai đoạn 2020-2025.
Các giải pháp tập trung vào 5 lĩnh vực: Triển khai thực hiện kế hoạch hành động về bảo tồn rùa biển đến năm 2025; nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các khu bảo tồn biển; hỗ trợ cải thiện khung pháp lý và thiết lập cơ sở khoa học cho quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý và bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; quản lý hệ sinh thái, môi trường sống của các loài thủy sản.
Hiện, dự án hợp tác đã triển khai mô hình thí điểm thử nghiệm phao phủ sơn Line-X thân thiện môi trường thay thế phao xốp truyền thống tại Hợp tác xã Vạn Chài, làng chài Vung Viêng (Hạ Long, Quảng Ninh). Làng chài từng được coi là một trong những làng chài đẹp nhất thế giới vẫn đang nỗ lực thực hiện hoạt động nuôi trồng thủy sản nhưng khoa học, không ảnh hưởng đến môi trường vịnh. Ngư dân vừa là những người chèo đò, hướng dẫn viên đưa du khách đi vãn cảnh, vừa là những nhà bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện “Điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa (lĩnh vực thuỷ sản)”. Đây sẽ là cơ sở để các tỉnh ven biển phát triển nền kinh tế hướng ra biển nhưng vẫn phải đảm bảo bền vững về mặt môi trường, sinh thái.