Người dân chỉ cần mang 1 kg rác thải nhựa hoặc rác tái chế các loại sẽ được đổi lấy 1 kg gạo. Sau 2 tuần thực hiện, hơn 1 tấn gạo đã được đổi cho người dân thu về khối lượng tương đương rác thải nhựa đem đi tái chế, góp phần bảo vệ môi trường Thành phố.
Bà Phạm Thị Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, chương trình được tổ chức với mục tiêu đồng hành cùng người dân Thành phố vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế dùng rác thải nhựa, tạo thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân. Hoạt động diễn ra mỗi tuần một lần kéo dài đến hết tháng 12/2020, tập trung thu nhận các loại rác thải nhựa khô, không tích trữ nước cùng một số loại rác thải tái chế được như giấy và bìa carton. Mỗi người dân được quy đổi tối đa 10 kg rác lấy 10 kg gạo. Mỗi phường chủ động chọn thời gian và địa điểm để nhận rác thải và phát gạo cho người dân. Các loại rác sau khi gom lại sẽ được chuyển tới các địa điểm tái chế vào cuối ngày.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Minh, nguồn lực và kinh phí thực hiện chương trình hoàn toàn đến từ các nguồn vận động tài trợ của tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Đến thời điểm hiện tại, trên 4 tấn gạo đã vận động được để đưa về các phường đổi cho người dân. Ngoài ra, các phường còn tổ chức vận động thêm nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm khác. Phường Bến Thành, phường Nguyễn Thái Bình tặng thêm dầu ăn, muối i-ốt cùng với gạo. Phường Phạm Ngũ Lão tặng gạo và các chậu cây xanh nhằm góp phần tăng cường mảng xanh trên địa bàn. Đặc biệt là chương trình chỉ hoạt động trên địa bàn Quận 1 nhưng người dân các quận khác nếu có rác thải nhựa đều có thể mang đến để đổi gạo, quà vì mục tiêu chung góp phần bảo vệ môi trường, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên toàn Thành phố.
Bà Nguyễn Thị Cẩm, ngụ phường Phạm Ngũ Lão (Quận 1) chia sẻ, kể từ khi chương trình bắt đầu, mỗi tuần, bà cùng nhiều phụ nữ trong khu phố và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đều đến túc trực tại điểm thực hiện để hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên tình nguyện thu gom rác thải và đổi gạo cho người dân. Điều khiến bà vui nhất là chương trình không chỉ góp phần tuyên truyền bảo vệ môi trường mà còn hỗ trợ người dân nghèo phần nào vượt qua khó khăn vì đại dịch, như những người làm nghề nhặt ve chai bình thường chỉ bán được khoảng 3.000 – 4.000 đồng cho 1 kg nhựa, nay họ đổi được 1 kg gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác, phần nào đỡ đần kinh tế gia đình.
Tham gia chương trình, bà Cẩm còn được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần đùm bọc, san sẻ lẫn nhau của người dân Việt Nam. Có người dân chỉ mang nhựa đến chứ không nhận gạo, nhường suất lại cho người khó khăn hơn; có người dân ở quận khác không ngại đường xa mang hàng chục kg rác nhựa đến để đổi gạo rồi tặng lại cho chương trình để phát cho người nghèo.
"Rất nhiều lần tôi thấy những người bán vé số, người già neo đơn vui đến rơi nước mắt khi chỉ mang đến 1 kg nhựa mà nhận về được 4-5 kg gạo. Nhìn nụ cười của họ, mọi mệt mỏi của tôi và các anh chị em tình nguyện viên đều tan biến", bà Cẩm chia sẻ.
Chị Nguyễn Ngọc Phương Quỳnh, nhà ở quận Thủ Đức nhưng làm việc ở Quận 1 nên hai tuần qua, mỗi tuần chị đều cố gắng mang khoảng 4 kg chai nhựa đến điểm đổi gạo ở phường Bến Thành. Số gạo quy đổi được, chị tặng lại cho Bếp ăn từ thiện của phường để chế biến thêm nhiều suất cơm giúp đỡ người nghèo. Chị Quỳnh cảm thấy chương trình này rất ý nghĩa vì ngoài giúp đỡ được người dân khó khăn trong mùa dịch còn giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn. Qua đó nâng cao tinh thần tự giác, tham gia vào công tác bảo vệ môi trường Thành phố cùng với chính quyền.
Anh Phạm Minh Khang, giáo viên Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa rất tích cực thu gom các loại rác nhựa trong gia đình mang đến điểm quy đổi ở phường Phạm Ngũ Lão. Tuy nhiên thay vì nhận gạo, anh lại yêu cầu được nhận cây xanh để mang về trồng trong nhà. Theo anh Khang, việc mở rộng mảng xanh tại khu vực mình sinh sống cũng quan trọng không kém việc phân loại rác tại nguồn để tạo ra một bầu không khí sạch và trong lành cho Thành phố.
Bí thư Quận Đoàn 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) Trần Đỗ Nam Long cho biết, Ban Tổ chức hy vọng thông qua chương trình nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho mỗi người dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình; giảm rác thải, nhất là rác thải nhựa ra ngoài môi trường. Anh Long nhìn nhận, tuy chỉ mới triển khai trong một thời gian ngắn nhưng nhiều người dân cho biết nhờ chương trình mà lần đầu tiên họ hiểu được sự quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn để thực hiện tái chế cho phù hợp. Đây là tín hiệu ban đầu rất tích cực để chính quyền Thành phố xem xét mở rộng phạm vi chương trình đến những quận, huyện khác trong thời gian tới.