Nơi đó, tiếng đánh vần học bài của trẻ nhỏ vang lên trong lớp át tiếng sóng, tiếng gió của biển khơi. Nơi đó “bão dừng sau cánh cửa”, bình yên luôn hiện hữu trong ngôi nhà của những gia đình nhỏ đang sinh sống, làm việc tại huyện đảo Trường Sa.
Những lớp học đặc biệt
Nằm xen giữa những tán lá phong ba, lá bàng vuông, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa) được xây kiên cố với dãy phòng học 2 tầng. Trường có đầy đủ các điều kiện thiết yếu cho công tác dạy và học của thầy trò như thư viện, máy vi tính…
Năm học 2024 - 2025, trường tổ chức 2 lớp học với 8 học sinh. Trên đảo, các lớp thường là lớp ghép cho học sinh từ hai khối lớp học cùng nhau. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp giảng dạy linh hoạt, tránh gây mất tập trung cho học sinh. Giữa sóng gió trùng khơi, vượt lên khó khăn, bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, thầy giáo Lê Thanh Chiến luôn cần mẫn với giáo án và những tiết giảng trên lớp.
Thầy giáo Lê Thanh Chiến chia sẻ, thầy dạy các học sinh lớp 2 và lớp 3. Trong quá trình học, các em sẽ học xen kẽ với nhau; chẳng hạn như lớp 2 học tiếng Việt trước rồi lớp 3 sẽ học Toán, sau đó đổi lại. Trong một giờ học, các em chỉ học hai môn khác nhau để tránh mất tập trung. “Sau mỗi giờ học, tôi lại chắt lọc, tóm tắt những kiến thức chính để giúp học sinh nắm bắt nhanh nhất”, thầy Chiến tâm sự.
Ở nơi đầu sóng, ngọn gió của Trường Sa, những lớp học đặc biệt không đơn giản chỉ là nơi truyền dạy kiến thức mà còn là nơi bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần bám đảo, giữ biển. Ở nơi ấy, các em trưởng thành trong vòng tay yêu thương của gia đình, thầy giáo và cán bộ, chiến sỹ trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Thầy giáo Bùi Tiến Anh (Trường Tiểu học xã Song Tử Tây) cho biết, với đặc thù sinh sống, học tập ở biển, đảo, ngoài nội dung chương trình của Bộ Giáo dục Đào và Đào tạo quy định, các thầy ở đây còn biên soạn thêm những nội dung đặc thù như đẩy mạnh việc giáo dục về bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. Qua đó, giúp các em dễ hình dung và hiểu hơn về chủ quyền thiêng liêng của biển đảo.
Em Nguyễn Khang Nguyên (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây) cho hay, trên lớp, em thường được các thầy giáo giảng dạy về tình yêu quê hương, biển đảo. Khi hết giờ học, em lại được gặp gỡ, chơi cùng các chú bộ đội hải quân. Em mong muốn sau này sẽ trở thành chiến sỹ hải quân như các chú, các bác.
Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Cao Văn Giáp cho biết, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hiện nay cơ sở vật chất của các lớp học trên đảo đều được đảm bảo. Các học sinh được cung cấp đầy đủ sách giáo khoa, phòng thư viện, các trang thiết bị như máy tính. Giáo viên cũng được đào tạo về chuyên ngành, chuyên môn, cập nhật kịp thời cái loại sách, phương pháp giảng dạy mới phù hợp với điều kiện ở vùng biển đảo. Nhờ vậy, chất lượng giảng dạy, học tập ngày càng được nâng lên.
Dựng xây tổ ấm nơi đảo xa
Vượt qua hành trình hàng trăm hải lý, con tàu HQ571 đưa đoàn công tác đến khu vực đảo Song Tử Tây. Đặt chân lên đảo, điều ấn tượng đầu tiên mọi người cảm nhận được là sự phấn khởi, vui tươi của các hộ dân khi đón đoàn công tác từ đất liền. Rời cầu cảng, mọi người một lần nữa lại bất ngờ khi nhìn thấy khu dân cư khang trang, nằm dưới tán lá bàng vuông xanh mát.
Gia đình anh Nguyễn Đắc Luận và chị Nguyễn Thị Châu Úc là một trong những hộ dân sinh sống trên xã đảo Song Tử Tây. Ngôi nhà cấp 4 kiên cố, hiện đại với mái ngói đỏ tươi là nơi sinh sống của gia đình 4 thành viên. Họ là một trong những cặp vợ chồng tình nguyện ra Trường Sa sinh sống.
Không khí tại gia đình anh Luận, chị Úc trở nên rộn ràng hơn mọi ngày khi biết tin tàu HQ571 sẽ có chuyến đi mang hàng Tết đến đảo. Người thân của của gia đình anh chị đã gửi ra nhiều hàng hóa, đồ dùng thiết yếu. Trong khi anh Luận cùng các chiến sỹ khẩn trương bê những thùng hàng từ cổng vào nhà, chị Úc đã tìm được một gói hàng của người bạn thân gửi. Đó là hộp nguyên liệu dùng để chế biến món trà sữa. Chị Úc chia sẻ: “Với đất liền, đây là thức uống phổ biến, nhưng trên đảo thì không có nên phải nhờ người thân gửi ra. Sau đó, gia đình chị tự pha chế để các con có thêm món đồ uống khác lạ hơn thường ngày”.
Chia sẻ về cuộc sống, chị Úc cho biết, một ngày mới của gia đình chị bắt đầu với việc chuẩn bị bữa sáng cho 2 con; sau đó sẽ đưa các cháu đến trường. Chồng chị cũng là thành viên của đội dân quân tự vệ trên đảo nên sẽ tham gia hoạt động tuần tra, canh gác, bảo vệ đảo cùng lực lượng bộ đội. “Dù ở đảo xa nhưng gia đình tôi vẫn duy trì thói quen sau bữa cơm tối cả nhà quây quần, trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống, việc học của con cái. Nơi biển đảo, các hộ dân trên đảo không phân biệt quê quán luôn đùm bọc, yêu thương nhau, cùng nhau bảo vệ biển đảo quê hương”, chị Úc cho biết.
Rời Song Tử Tây, đoàn công tác tiếp tục có mặt tại xã đảo Sinh Tồn. Trong ngôi nhà cấp 4 rộng rãi, vợ chồng anh Phạm Văn Toản, chị Trần Thị Thu Huyền cùng con gái đang cùng nhau trang trí phòng khách để chuẩn bị đón năm mới. Những cánh hoa đào, hoa mai được chị Huyền tự tay làm từ những tờ giấy màu dù chưa thật rực rỡ nhưng cũng đủ làm cho không khí ngôi nhà thêm ấm áp hơn.
Chị Huyền chia sẻ, vợ chồng chị quê ở Nam Định nhưng theo gia đình vào Khánh Hòa từ nhỏ. Khi biết có chủ trương đưa người dân ra sinh sống tại Trường Sa, anh và chị đã tình nguyện lên đường. Dù biết trước sẽ có nhiều khó khăn nhưng với tình yêu quê hương, biển đảo, anh chị đã cùng nhau vượt qua. “Hiện nay, điều kiện sống của các hộ dân trên đảo ngày càng được nâng lên. Chúng tôi có ti vi để thường xuyên cập nhật tin tức từ đất liền, có điện thoại để liên lạc với người thân. Con cái cũng được học tập đầy đủ. Gia đình chúng tôi tự hào vì đã góp một phần nhỏ vào việc giữ bình yên biển đảo quê hương”, chị Huyền tâm sự.
“Cán bộ, chiến sỹ trên đảo thấu hiểu hơn ai hết nỗi nhớ đất liền, nhớ nhà của các hộ dân. Vì thế, chúng tôi - những người cán bộ, chiến sỹ hải quân luôn đồng hành cùng nhân dân để giúp họ vơi bớt nỗi nhớ nhà để cùng chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”, Trung tá Hoàng Văn Cường, Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết.
Bài 3: Những cột mốc văn hóa Việt trên Biển Đông