Cột mốc chủ quyền trong trái tim kiều bào - Bài cuối: Hành trình đặc biệt của lá cờ quay trở lại Trường Sa

Hành trình hơn 1.000 hải lý, những ngày lênh đênh trên biển cùng tàu Trường Sa 571, Đoàn công tác số 8 đến thăm Trường Sa và Nhà dàn DK1 đã cùng nhau trải qua rất nhiều kỷ niệm đẹp và xúc động. Và chắc chắn, nhiều người không thể nào quên hành trình “quay trở lại Trường Sa” của một lá cờ Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bà con kiều bào thăm các chiến sỹ tại đảo Đá Lớn A.

Đây là lá cờ rất đặc biệt bởi đã đồng hành cùng anh Trần Đặng Đăng Khoa (tỉnh Tiền Giang) đi qua tất cả các châu lục trên thế giới, gồm châu Á, châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Úc, Nam Cực và châu Phi. Dù đi khắp nơi trên thế giới, dám dấn thân, đương đầu với khó khăn, thử thách để chinh phục niềm đam mê của mình, song ước mơ lớn nhất của chàng trai trẻ lạc quan, tràn đầy năng lượng sống, là được một lần đặt chân đến Trường Sa thân yêu…

Hành lý bất ly thân

Anh Trần Đặng Đăng Khoa, sinh năm 1987, tại tỉnh Tiền Giang, là phượt thủ được nhiều người biết đến qua những chuyến đi phượt dài ngày và rất đặc biệt. Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe máy.

Cách đây đúng 5 năm (tháng 6/2017), Trần Đặng Đăng Khoa bắt đầu hành trình vạn dặm đầy cảm hứng vòng quanh thế giới trên xe máy tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) bằng chiếc xe Wave đời 2008. Nhiều người khi nghe về ý tưởng này chỉ nghĩ là Khoa quá mơ mộng, nhưng với chàng trai đam mê khám phá, đây là quyết định nghiêm túc nhất. Bắt tay vào thực hiện ý tưởng, Khoa mất gần 2 năm để chuẩn bị đồ đạc mang theo, các loại giấy tờ, xe cộ, đồ đạc lỉnh kỉnh khác nhau như quần áo, giày dép, mũ, xoong chảo, túi ngủ, lều bạt, máy tính, máy ảnh, đồ sửa xe, đồ sơ cứu y tế…

Trong hành trang ấy, Khoa gói ghém cẩn thận lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam. Với Khoa, lá cờ là hành lý tinh thần “bất ly thân” của anh trong suốt 1.111 ngày, cổ vũ anh kiên định hoàn thành ước mơ của mình. Điều đặc biệt, đây là lá cờ được người bạn của Khoa mang về từ đảo Phan Vinh - hòn đảo duy nhất trong quần đảo Trường Sa mang tên Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh. Bạn anh tặng cho anh trước chuyến đi với mong muốn, lá cờ sẽ luôn đồng hành cùng Khoa trong suốt chặng đường đầy ắp kỷ niệm, xen lẫn khó khăn, thử thách trước mắt.

Nhớ lại hành trình của mình, Khoa kể, anh mang theo lá cờ đỏ sao vàng, rời cửa khẩu Mộc Bài của Việt Nam ngày 1/6/2017 với đầy đủ hành trang cùng những cảm xúc lẫn lộn, vừa lo lắng, vừa có phần phấn khích. Theo tổng kết riêng của anh, lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng đã cùng anh đi qua chặng đường khoảng 80.000 km, qua 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, 8 lần băng qua đường xích đạo. Anh đi từ những nước phát triển ở Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ, đến những nước nghèo hơn ở châu Phi, Trung Mỹ, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Đại Dương.

Lá cờ đó cũng đã theo anh đến những nơi xa xôi hẻo lánh như Amazon, Greenland hay đảo Svalbard sát Bắc Cực, xuống “nơi tận cùng thế giới” ở Patagonia rồi cả châu Nam Cực. Anh đi từ những hoang mạc rộng lớn giữa lòng Australia, từ những ngôi làng hoang vắng không ai biết, đến những đại đô thị như New York, Paris, Seoul, Sydney, Berlin, Rome, Toronto, Chicago, Los Angeles, San Francisco...

Với Khoa, điều quan trọng nhất là sau 1.111 ngày, anh đã có những trải nghiệm vô giá với biết bao điều kỳ diệu, hay ho. Lá cờ đỏ sao vàng dù đã bị sờn mép, sứt chỉ, nhưng đã trở thành người bạn đồng hành quan trọng, cùng anh hoàn thành ước mơ tuổi trẻ.

“Trở về nhà”

Chú thích ảnh
Đoàn công tác số 8 làm lễ chào cờ tại đảo Trường Sa trong chuyến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Và trong dịp giữa tháng 5/2022, Khoa tự nhận mình là người “vô cùng may mắn” khi được cùng Đoàn công tác số 8 đến thăm Trường Sa và Nhà dàn DK1. Đây là chuyến đi Khoa đã rất nóng lòng mong đợi từ bao lâu nay, cũng là nơi cuối cùng còn lại ở Việt Nam mà Khoa ước mơ đặt chân đến.

Trong đêm giao lưu văn nghệ tối 22/5 trên boong tàu Trường Sa 571, sau những tiết mục văn nghệ sôi nổi, độc đáo, anh Đăng Khoa bất ngờ xung phong lên sân khấu, chia sẻ lại hành trình “trở về nhà” đặc biệt của lá cờ đỏ sao vàng trước sự bất ngờ và cảm phục của hàng trăm đại biểu cùng chuyến tàu.

Khoa xúc động nói, những ngày tháng lênh đênh trên biển, đi thăm quân, dân Trường Sa là những ngày tháng ấn tượng nhất trong những chuyến đi khám khá. Điều đáng quý nhất là quân, dân Trường Sa nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thầm lặng cống hiến để giữ biển đảo, quê hương bình yên, toàn thể nhân dân Việt Nam yên tâm lao động sản xuất.

“Sau khi đã đi qua tất cả các châu lục trên thế giới, cuối cùng hôm nay, ngày mong chờ nhất, tôi cũng được đến Trường Sa, mang theo lá cờ trở về nơi xuất phát điểm ban đầu. Mang lá cờ trở về nơi biển đảo thân yêu, tôi cảm thấy rất bồi hồi, vui nhưng cũng vinh dự và tự hào”, Khoa tâm sự.

Khoa kể lại với mọi người, ở mỗi địa điểm nổi tiếng khác nhau những nơi từng đi qua, Khoa mang lá cờ ra chụp ảnh “check-in”. Tại đây, khi người dân địa phương hoặc khách du lịch muốn chụp ảnh cùng, Khoa lại tự hào giới thiệu về lá cờ Tổ quốc, về đất nước Việt Nam thân thiện và mến khách. Đặc biệt, chàng trai sinh năm 1987 có cơ hội kể cho các bạn nghe về nguồn gốc của lá cờ này, về Trường Sa và biển đảo thân yêu của Việt Nam.

“Nhiều người đã mời tôi về nhà ăn tối để thể hiện lòng hiếu khách và mong muốn hiểu biết thêm những câu chuyện lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc đêm giao thừa ấm tình người Việt ở Peru”, anh Khoa nhớ lại; đồng thời bày tỏ ấn tượng với tinh thần đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng người Việt trên khắp thế giới; gửi lời cảm ơn đến các kiều bào đã giúp anh “ở ké ăn chực”, kết nối anh đến các thành phố khác để giúp anh hoàn thành ước mơ của mình.

Khép lại một hành trình đẹp ở Trường Sa, chàng phượt thủ vẫn còn nhiều cảm xúc lâng lâng. Dù đi đến nhiều nơi, ngắm nhiều cảnh đẹp nổi tiếng, ăn nhiều món ăn ngon, gặp nhiều người bạn mới, song được đặt chân đến Trường Sa mới khiến Khoa “thỏa mãn và hạnh phúc”.

Chàng trai lạc quan, luôn tràn đầy năng lượng chia sẻ: “Cuộc sống có rất nhiều điều khó khăn nhưng tôi mong các bạn trẻ luôn giữ vững niềm tin để theo đuổi giấc mơ của mình. Và nếu có dịp, hãy một lần đến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 - vùng biển đảo linh thiêng của Tổ quốc để cảm nhận được lời thề sắt son giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của các chiến sỹ, cũng như hiểu được mỗi người chúng ta phải cố gắng nhiều thế nào để xứng đáng với công sức giữ gìn, bảo vệ bình yên cho đất nước của các anh”.

Bài và ảnh: Diệp Trương (TTXVN)
Cột mốc chủ quyền trong trái tim kiều bào - Bài 4: Gắn kết tình yêu biển đảo quê hương trong các lớp tiếng Việt
Cột mốc chủ quyền trong trái tim kiều bào - Bài 4: Gắn kết tình yêu biển đảo quê hương trong các lớp tiếng Việt

Trải qua những chuyến bay dài trở về nước, vượt hàng nghìn hải lý đến Trường Sa và Nhà giàn DK1, nhiều kiều bào “tích góp tài liệu quý” là hàng trăm bức ảnh, video, mong muốn chia sẻ cho các thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên tại nước ngoài có cơ hội thấy Trường Sa sinh động, chân thực hơn. Đồng thời, nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ kế hoạch tăng cường thông tin về biển đảo Việt Nam để khơi dậy, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN