Thượng úy Hiệp (bên trái) cùng lãnh đạo Bộ tư lênh kiểm tra hạ tầng cơ sở trên đảo Sơn Ca. |
Ước mơ đã thành hiện thực, cậu sinh viên Thủ đô ngày nào, nay đã có 2 năm làm lính Trường Sa. Đó là Thượng úy Trần Quốc Hiệp, sinh năm 1990, ở Mễ Trì, Hà Nội, Chỉ huy tham mưu hậu cần ở đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Cách đây 6 năm, Hiệp là sinh viên tiêu biểu được tham gia hành trình Vì biển đảo quê hương do Trung ương Đoàn tổ chức. Ra đảo chứng kiến cuộc sống vất vả, khó khăn của các chiến sỹ, Hiệp luôn ấp ủ được cống hiến sức trẻ, đem kiến thức được học ra đảo vận dụng, góp phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ biển, đảo quê hương.
Năm 2012, Hiệp tốt nghiệp và được điều động về công tác tại Quân chủng Hải quân. Tại đây, Hiệp đã đăng ký nguyện vọng ra đảo Trường Sa công tác và được cấp trên đồng ý. Tháng 5/2015, Hiệp trở thành lính đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa. Hơn một năm sau, Hiệp lại được điều động sang đảo Sơn Ca làm Trợ lý hậu cần.
Gặp Hiệp ở 2 cuộc hành trình cách nhau 6 năm trên đảo Trường Sa, anh Lê Duy Hưng Thịnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn nhận xét: Từ cậu sinh viên trắng trẻo dễ mến ngày nào, nay Hiệp đã trở thành người lính có làn da đen giòn, nhưng rắn rỏi, trưởng thành hơn rất nhiều.
Thượng úy Hiệp trò chuyện với phóng viên trên đảo Sơn Ca. |
Chuyến đi Trường Sa do Trung ương Đoàn tổ chức đã thực sự đánh thức lòng yêu nước của cậu sinh viên Thủ đô. Hiệp thực sự là tấm gương sáng về lòng yêu nước, về tình yêu biển đảo quê hương, đủ sức truyền cảm hứng đối với thế hệ trẻ ngày nay.
Đại úy Phạm Công Hân, Phó Chỉ huy trưởng quân sự đảo Sơn Ca, huyện Trường Sa, đánh giá: Hiệp là chiến sỹ có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình và năng nổ trong công việc; có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn, tham mưu tốt cho chỉ huy đơn vị trong việc quy hoạch chăn nuôi, trồng trọt cũng như nâng cao hiệu quả quản lý quân lương, quân trang, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống cho cán bộ, chiến sỹ trên các đảo Trường Sa.
Thượng tá Tô Xuân Thắng, Trợ lý Phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Hải quân, nhận xét: Những đơn vị mà Hiệp từng công tác ở Trường Sa đều quản lý hậu cần bài bản, đúng quy định của Quân chủng. Đó là nhờ dấu ấn của những người tham mưu hậu cần tốt như Thượng úy Trần Quốc Hiệp.
Trần Quốc Hiệp nhắn nhủ tình cảm của mình tới các bạn sinh viên trong chuyến hải trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2017 rằng: Sinh viên được ra đảo Trường Sa là niềm tự hào, vinh dự lớn. Hiệp mong các bạn sinh viên hãy góp sức trẻ, nghiên cứu về Trường Sa nhiều hơn để giúp đảo ngày một phát triển vững mạnh.