Để có được vườn rau xanh như thế này trên đảo Đá Tây A, các chiến sĩ phải mất rất nhiều công sức, do điều kiện khắc nghiệt nơi đảo chìm. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Bằng nghiên cứu của mình, anh Phan Thanh Sang - Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) đã áp mô hình trồng rau với giá thể là dớn trắng kết hợp phủ bạt hạn chế bay hơi nước và bón phân chậm tan.
Anh Sang tâm sự: "Rau xanh và nước ngọt là hai thứ quý nhất ở Trường Sa. Vì vậy, tôi đã dày công nghiên cứu để tìm ra biện pháp trồng rau xanh tiết kiệm nước nhất có thể". Anh Sang đã đưa mô hình trồng rau xanh với giá thể dớn đến với 9 điểm đảo trong hành trình này".
Theo anh Sang, mô hình này dùng bạt trải đất che lên chỗ đất trồng rau, đồng thời dùng lưới chắn gió xung quanh, dùng lưới che mát vườn rau để hạn chế ánh sáng vào mùa nắng gắt. Cách làm này chi phí không cao, đem lại hiệu quả lớn là hạn chế sự bay hơi nước vào mùa nắng nóng.
Trung úy Phạm Hồng Kỳ phụ trách hậu cần ở Đá Lớn A cho biết: Việc trồng rau xanh ở Trường Sa gặp nhiều khó khăn bởi thiếu nước. Đặc biệt vào mùa khô, khi đó nắng nóng, kèm theo gió và hơi nước mặn khiến rau xanh có thể bị dập và chết héo.
Trung úy Kỳ đánh giá cao mô hình trồng rau xanh hạn chế sự bay hơi của nước và mong muốn Nhà nước quan tâm xây dựng cho các xã đảo Trường Sa những tường bao lớn ở những vườn rau xanh hoặc xây dựng nhiều nhà vườn kính để giữ được nước, độ ẩm cho khu vườn, giúp cây xanh, rau xanh phát triển tốt, cải thiện bữa ăn cho người lính đảo.
Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Bùi Đình Dương cho hay: Trồng rau trên đảo có sự khác biệt xa với đất liền. Vào mùa mưa thì rau xanh tươi tốt nhưng vào mùa khô hạn, nắng nóng nên đất bốc hơi nhanh hơn. Đảo thiếu nước nên việc trồng rau trong các chậu nhựa, xốp gặp nhiều khó khăn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Trường Sa giải pháp hiện nay là tăng cường xây dựng các nhà kính làm giảm sự bốc hơi nước. Hiện nay chỉ có 7 đảo có nhà kính, quy mô và số lượng nhà kính còn ít chưa đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất của quân và dân ở quần đảo Trường Sa.
Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết thêm: Nguồn nước ngọt ở các xã đảo chủ yếu vẫn là nước mưa, phụ thuộc vào thời tiết. Ý tưởng xây dựng hệ thống lọc nước ngọt từ nước biển khó khả thi vì chi phí cao, thậm chí còn cao hơn cả việc vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra các xã đảo.
Do vậy phương châm chính ở Trường Sa vẫn là tận dụng nước mưa và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Ông Bùi Đình Dương đang ấp ủ ý tưởng xây dựng hệ thống thu gom nước thải sạch ở các đảo để phục vụ cho tưới tiêu cây trồng.
Mới đây, UBND huyện Trường Sa đã cấp thêm cho mỗi hộ gia đình ở các xã đảo Trường Sa 1 bể nhựa chứa nước với dung tích khoảng 7 m3, nâng tổng dung tích chưa nước mưa ở mỗi hộ gia đình lên hơn 10 m3, đủ lượng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và trồng rau quy mô nhỏ trong nhiều tháng.