Cơ sở này cũng sẽ tiếp nhận tái khám với những bệnh nhân đến từ vùng có dịch nếu có giấy hẹn tái khám của bệnh viện. Đặc biệt, đối với các sản phụ sắp sinh liên quan đến yếu tố dịch tễ, Bệnh viện Trung ương Huế yêu cầu phải chủ động đến cơ sở 2 sớm để được điều trị.
Bệnh nhân được nhận điều trị và người nhà sẽ được các khoa, phòng rà soát, thông báo đăng ký trước khi đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đồng thời được đón nhận, đảm bảo các điều kiện phòng dịch và bố trí cách ly theo quy định của Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế. Ngoài ra, các đơn vị đầu mối sàng lọc trực thuộc chịu trách nhiệm chủ động khai thác sàng lọc chặt chẽ ở mức cao nhất nhằm đảm bảo không để lọt các trường hợp khai báo thiếu, khai báo không trung thực và hướng dẫn chuyển viện các bệnh nhân đến từ vùng dịch tễ.
Phát huy thành công của việc triển khai xét nghiệm Realtime –PCR tại cơ sở 1 từ tháng 2/2020, cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế đã khẩn trương tiến hành thử nghiệm thành công xét nghiệm miễn dịch lượng giá kháng thể Anti SARS-CoV-2 Total (Elecsys Anti-SARS-CoV-2) ngay khi được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, lưu hành vào tháng 7/2020.
Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Huế có 9 module miễn dịch tự động tại các khoa phòng xét nghiệm của các hãng, có thể đáp ứng công suất tổng tối đa cho gần 1.500 xét nghiệm/giờ. Dự kiến cuối tháng 8/2020, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 sẽ tiếp tục triển khai xét nghiệm miễn dịch tự động chuyên biệt dòng IgG cho kháng thể SARS-CoV-2.
Tính đến ngày 8/8, Bệnh viện Trung ương Huế đang tiếp nhận điều trị 19 ca mắc COVID-19 tại cơ sở 2. Đây là những ca bệnh được chuyển đến từ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Trong đó, 6 ca đang trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng nặng gồm các bệnh nhân số 436, 430, 431, 418, 438 và 456. Tất cả các trường hợp này đều có bệnh nền rất nặng như suy thận mạn, đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm phổi đa đề kháng, suy hô hấp... Nhiều bệnh nhân đang phải thở máy, vô niệu và hôn mê.