Thời gian gần đây, Tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng I, Thành phố Hồ Chí Minh được nhiều người nhắc đến với danh xưng “bác sỹ thông tim bào thai”. Thế nhưng ít ai biết để thực hiện thành công kỹ thuật này, suốt 27 năm ròng rã, bác sỹ Tín đã đi khắp nơi, thực hiện hàng chục ngàn ca phẫu thuật can thiệp tim mạch cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Anh được gọi là “Bàn tay vàng” trong can thiệp tim mạch, người chuyên “sửa lỗi” những trái tim trẻ thơ, đưa chúng trở về với nhịp đập bình thường.
Kỳ tích thông tim bào thai
Can thiệp tim mạch bào thai là một kỹ thuật khó mới chỉ phát triển trên thế giới trong 5 năm trở lại đây. Bác sỹ Đỗ Nguyên Tín nhớ lại, trong một hội nghị được tổ chức tại Mỹ từ nhiều năm trước, chứng kiến cảnh các bác sĩ Brazil luồn kim can thiệp dị tật tim bẩm sinh cho bào thai khiến anh kinh ngạc. Anh chia sẻ: “Tôi gần như nín thở bởi chỉ cần lệch kim một chút thì sẽ nguy hiểm cho tính mạng của thai nhi. Thế nhưng dưới bàn tay khéo léo của phẫu thuật viên, ca thông tim được thực hiện một cách thần tốc, tôi như bừng tỉnh và quyết tâm phải học bằng được kỹ thuật này”.
Nghĩ là làm, bác sỹ Đỗ Nguyên Tín khăn gói sang các nước có kỹ thuật này để học. “Can thiệp dị tật tim từ bào thai nghĩa là sửa từ tế bào gốc. Trái tim của trẻ nhờ thế được sửa và chữa lành từ trong bào thai, điều này đồng nghĩa với việc nhiều em bé mắc tim bẩm sinh sẽ được chào đời khỏe mạnh, không phải sống lay lắt chờ được mổ tim như trước”, anh cho biết.
Mặc dù vậy, không phải sự khởi đầu nào cũng suôn sẻ. Hai năm trước, gia đình một sản phụ mang thai gần 30 tuần tuổi có thai nhi bị dị tật bẩm sinh nặng - nếu không can thiệp thì em bé rất khó có cơ hội chào đời đã tha thiết mong mỏi được can thiệp bào thai và chấp nhận rủi ro. Bác sỹ Tín và ê-kíp tiến hành nong van tim bào thai nhưng thất bại. Anh chiêm nghiệm: “Lúc đó thất bại vì nhiều nguyên nhân, một phần do không có dụng cụ, một phần do trình độ của mình còn non kém, sự hiểu biết chưa đủ. Điều này khiến tôi day dứt một thời gian dài và biết mình còn kém cỏi, phải tiếp tục tìm tòi, cố gắng”.
Trải qua hàng trăm lần thực nghiệm trên động vật, ngày 4/1 vừa qua, bác sỹ Tín cùng các cộng sự và đồng nghiệp tại Bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện thành công ca can thiệp tim mạch bào thai đầu tiên. Đây được coi là kỳ tích bởi trên thế giới số lượng các quốc gia thực hiện được kỹ thuật này không nhiều. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thành công.
Được biết, sau khi can thiệp bào thai, em bé đã chào đời khỏe mạnh, dù động mạch phổi vẫn còn hơi hẹp nhưng bác sỹ Tín đánh giá đây là một thành công bởi nếu không được can thiệp từ bào thai có thể em bé sẽ chết trong bụng mẹ, hoặc nếu chào đời thì cũng phải sống lay lắt và chắc chắn sẽ trải qua nhiều ca phẫu thuật phức tạp sau này. Đây chính là tiền đề để ngành Y tế đẩy mạnh hơn nữa kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai. Mặc dù đã kinh qua hàng chục ngàn ca phẫu thuật tim nhưng áp lực của lần đầu tiên đè nặng lên bác sỹ Tín để rồi anh như vỡ òa khi ca can thiệp kết thúc.
Anh chia sẻ: “Chúng mình đã hạnh phúc ôm nhau ăn mừng ngay trong phòng mổ bởi trước đó nhiều đêm không thể ngủ nổi vì lo lắng và áp lực. Nếu thất bại thì cái giá phải trả là rất lớn nhưng nếu thành công sẽ mở ra cơ hội mới cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Thật may mắn, chúng mình đã làm được”.
Không để những cái chết trở thành vô nghĩa
Trước khi thực hiện thành công kỹ thuật thông tim bào thai, bác sỹ Đỗ Nguyên Tín đã là “bàn tay vàng” trong lĩnh vực can thiệp tim mạch trẻ em. 27 năm làm nghề, anh đã thực hiện gần 17.000 ca can thiệp cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Anh kể, hồi mới vào nghề, anh đã phải nhiều lần day dứt trước những cái chết thương tâm của các em bé mắc bệnh tim bẩm sinh mà không được phẫu thuật kịp thời.
Ở khu vực phía Nam, ngay cả Viện Tim mỗi năm cũng chỉ mổ được vài ca, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh vì thế cũng tử vong rất nhiều. Có những ngày chính tay anh phải ký xác nhận tử vong cho gần 200 bệnh nhi, khiến anh day dứt vô cùng. Và đó cũng là lý do bác sỹ trẻ Đỗ Nguyên Tín quyết tâm dấn thân vào lĩnh vực can thiệp tim mạch trẻ em dù con đường đi vô cùng gian nan và thách thức.
Bác sỹ Đỗ Nguyên Tín đã phải lăn lộn nhiều nơi như Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Tim, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh để học. Từ đó, số lượng trẻ bị tim bẩm sinh được can thiệp tăng dần, từ chỉ vài trẻ lên vài chục trẻ rồi vài trăm trẻ được can thiệp mỗi năm. Riêng năm 2023, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã can thiệp tim mạch cho trên 800 trẻ em tim bẩm sinh. Bác sỹ Tín còn cùng các đồng nghiệp đi khắp các tỉnh, thành, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa để tầm soát tim bẩm sinh cho trẻ em, đưa về Bệnh viện Nhi đồng I phẫu thuật.
Dù đã thực hiện trên 17.000 ca phẫu thuật nhưng bác sỹ Tín vẫn không khỏi vui mừng mỗi khi can thiệp thành công cho một em bé. “Cứ mỗi ca thành công là tôi lại có một niềm vui, ví dụ mỗi ngày tôi phẫu thuật được 5 ca thì tôi có đến 5 niềm vui. Niềm vui của chúng tôi cứ thế nhân lên mỗi ngày”, bác sỹ Tín chia sẻ.
Mặc dù vậy, bác sỹ Đỗ Nguyên Tín cũng không quên được những thất bại. Anh luôn răn mình và các học trò, người bác sỹ không thể để những cái chết trở nên vô nghĩa. Do đó, lúc thành công anh không cho phép mình tự mãn, lúc thất bại cũng không giấu giếm mà xem đó là bài học để rút kinh nghiệm, tiến bộ trong những lần sau. Hai trường hợp thông tim bào thai đầu tiên thành công, bác sỹ Tín không nhận đó là thành tựu, với anh đó mới chỉ là sự khởi đầu và con đường đi đến thành công còn rất dài. “Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo một tiền đề, gây dựng một con đường để cho nhiều người khác cùng đi. Con đường còn rất dài và chắc chắn sẽ phải trả giá. Thành công chỉ được gọi tên khi nó được nhân rộng, nhiều bác sĩ làm được, nhiều đơn vị thực hiện được và nhiều trẻ em được can thiệp từ trong bào thai”, bác sỹ Tín bày tỏ.
“Trả lại cho em bé một trái tim bình thường đó là điều hạnh phúc nhất trong nghề nghiệp của mình” - đây cũng là kim chỉ nam trên con đường y nghiệp mà Tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Nguyên Tín luôn hướng tới. Anh luôn đặt ra cho mình mục tiêu thực hiện được nhiều kỹ thuật mới hơn nữa, bởi chỉ như thế mới ngày càng có nhiều cơ hội hơn cho những trái tim trẻ thơ bị “lỗi nhịp”.