Đây là ngày hội khoa học góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cộng đồng của các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột nói riêng và hệ thống y tế tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Tại hội nghị, 22 báo cáo khoa học ở nhiều chuyên khoa như Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa, Sản phụ khoa, Da liễu, Dinh dưỡng… được chia sẻ và thảo luận về kinh nghiệm lâm sàng, các nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng các kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, khám chữa bệnh.
Ông Võ Minh Thành, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cho biết, năm 2022, với vai trò là cầu nối khoa học, Bệnh viện đã tổ chức thành công 8 hội thảo khoa học; 11 chương trình sinh hoạt khoa học; 3 chương trình đào tạo. Bệnh viện đã đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh từ xa và hợp tác quốc tế bằng sự hợp tác toàn diện với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Nerves - Cộng hòa Pháp và Đại học Y khoa Cao Hùng - Đài Loan.
Hội nghị khoa học lần này với nhiều báo cáo khoa học các chuyên khoa khác nhau sẽ góp phần giúp đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại của thế giới, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Theo Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, sau một năm đi vào hoạt động, bệnh viện đã khám và điều trị hơn 150.000 lượt bệnh nhân, thực hiện 21.473 lượt thủ thuật và 6.419 ca phẫu thuật, trong đó có sử dụng một số kỹ thuật đặc biệt như: Chụp, nong và đặt stent động mạch vành; phẫu thuật nội soi cắt túi mật; phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng; cố định cột sống bằng vít qua da; tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học qua cuốn; phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng, khớp gối; tán sỏi thận qua da theo hướng dẫn siêu âm; thụ tinh trong ống nghiệm... Đây là những kỹ thuật cao đòi hỏi kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của bác sĩ, đặc biệt là hệ thống trang thiết bị hiện đại hỗ trợ điều trị hiệu quả.
Tiếp nối những thành quả đạt được, Bệnh viện sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tế khám, chữa bệnh nhằm giúp đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được thụ hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, hiệu quả ngay trong khu vực sinh sống.