Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV:

Rút ngắn thủ tục hành chính giữa cơ sở khám, chữa bệnh với người bệnh

Chiều 6/1, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 2, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đề xuất phân 2 luồng giá dịch vụ khám, chữa bệnh 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Khương Thị Mai phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Góp ý dự án luật, đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) cho rằng, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần đảm bảo đủ các yếu tố cấu thành để các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ điều kiện, nguồn kinh phí để đầu tư, đảm bảo đời sống cho đội ngũ y bác sỹ và nhân viên y tế.

Đối với việc tự chủ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị cần quy định theo hướng, cơ sở khám, chữa bệnh tự bảo đảm đầu tư và chi thường xuyên, được quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ Y tế, trừ giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu hoặc giá dịch vụ khám, chữa bệnh hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công - tư.

Cho rằng có 2 vấn đề nổi cộm trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là giá dịch vụ khám, chữa bệnh và tự chủ bệnh viện, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề xuất phân 2 luồng giá viện phí. 

Cụ thể, giá được bảo hiểm chi trả là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị; cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả. "Đây là vấn đề rất là quan trọng, luật cần phải nêu rõ nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Bảo hiểm xã hội có vai trò bảo đảm an sinh cho người dân, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc khám chữa bệnh; do đó, luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu.

Đối với giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đây chính là động lực để các bệnh viện nói riêng, ngành Y tế nói chung, thay đổi và phát triển. "Không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật thị trường", đại biểu đưa ra ý kiến.

Về vấn đề tự chủ bệnh viện, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đây là vấn đề khó nhưng nếu đã giải quyết được vấn đề giá khám, chữa bệnh thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh. "Luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty nhưng có thêm nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe cho người dân trong các tình huống", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá cao nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí khám, chữa bệnh trong dự thảo luật, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh. Tuy nhiên, trong quy định về tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh không chỉ là khả năng tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư như trong trong dự thảo luật mà cần bổ sung thêm yêu cầu về năng lực quản trị, khả năng tự quyết định những vấn đề về khám, chữa bệnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị quy định tự chủ cần nêu rõ các mức độ khác nhau về bảo đảm một phần chi thường xuyên, toàn bộ chi thường xuyên thay vì chỉ có một loại hình bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư. "Có như vậy mới khuyến khích được các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tự chủ từ mức độ thấp đến cao", đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.

Về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đại biểu cho rằng, việc các bệnh tự chủ được định giá dịch vụ khám chữa bệnh trong khung giá quy định, thường sẽ ở mức cao nhất, như vậy vô hình trung sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là những dịch vụ kỹ thuật cao của người thu nhập thấp. "Các cơ sở y tế tự chủ cần có hai loại là giá dịch vụ cơ bản (không vượt quá mức quy định của nhà nước theo tỷ lệ phù hợp), giá dịch vụ theo yêu cầu (không giới hạn trong khung giá)", đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.

Cân nhắc nhiều vấn đề then chốt, vấn đề khó

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Lê Hoàng Anh phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, 8 nhóm vấn đề lớn cần tiếp tục thảo luận tại kỳ họp này, có những nội dung được quy định ở 1 điều, 1 mục, thậm chí trong 1 chương của dự thảo luật, điều đó cho thấy việc tiếp thu, hoàn thiện dự án luật rất khó khăn và còn nhiều băn khoăn, chưa thống nhất. Do đó, việc thông qua dự án luật tại kỳ họp bất thường lần này, đề nghị Quốc hội cân nhắc vì "lượng chưa đủ để chuyển thành chất", nhất là có nhiều vấn đề then chốt, vấn đề khó", đại biểu Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại lần trình này, nhiều chính sách đã được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa bổ sung đánh giá tác động chính sách; chưa rõ tính thống nhất, tính khả thi khi triển khai thực hiện luật. Ngoài ra, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật nhưng chưa rõ tính tương thích, tính đồng bộ với các luật khác, trong đó liên quan đến 2 luật đang được hoàn thiện, dự kiến được Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới là Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi). "Nếu luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua trước sẽ khó khăn cho việc bảo đảm thống nhất giữa các luật. Điển hình, luật khám bệnh, chữa bệnh hiện có điều khoản quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng chưa tương thích với dự thảo Luật Giá (sửa đổi)", đại biểu Lê Hoàng Anh băn khoăn.

Hơn nữa, đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, một số chính sách đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; nhân viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đối với người bệnh chưa phù hợp, chưa tháo gỡ được khó khăn trong thực tế. Tiêu biểu như chưa có quy định về xã hội hóa cơ sở khám, chữa bệnh công lập với hình thức liên doanh, liên kết trong thực tế hiện nay; các điều khoản tài chính chưa tách rõ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với khám, chữa bệnh bình thường để xác định nguồn thu, chi, thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước; quy định tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là tự chủ về tài chính chưa rõ ràng…

Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đề nghị cần làm rõ cụm từ "khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu"; đồng thời nhấn mạnh, khám chữa bệnh là dịch vụ đặc thù, liên quan chặt chẽ tới tính mạng, sức khỏe của người dân, do đó, việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện, chất lượng hành nghề là hết sức cần thiết. Và một trong những khuôn khổ để kiểm soát là quy định cụ thể các trình tự, thủ tục hành chính, các yêu cầu về khám, chữa bệnh.

Nhận định dự thảo luật có bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động khám, chữa bệnh, nhưng đại biểu Lưu Văn Đức cho rằng, đây mới chỉ là các thủ tục hành chính có liên quan giữa cơ quan nhà nước và cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời, đề nghị dự thảo luật cần đề cập cụ thể đến việc rút ngắn thủ tục hành chính giữa cơ sở khám, chữa bệnh với người bệnh. Bởi trên thực tế, việc nhập viện hay xuất viện, người bệnh hoặc người nhà của người bệnh mất nhiều thời gian để làm thủ tục.

Diệp Trương (TTXVN)
Làm rõ chức năng Hội đồng Y khoa quốc gia trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Làm rõ chức năng Hội đồng Y khoa quốc gia trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Sáng 14/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp Phiên thứ 18 cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN