Cứu sống cụ bà 78 tuổi ngưng tim do nhồi máu cơ tim

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cứu sống bệnh nhân L.T.B (nữ, 78 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) ngưng tim do nhồi máu cơ tim. Ca cấp cứu đặc biệt thành công khi bệnh nhân được cứu sống, không có di chứng thần kinh.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau can thiệp. Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, vào ngày 30/4, khi đang sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, bà L.T.B đột ngột đau ngực, mệt, khó thở và ngưng tuần hoàn hô hấp, tím tái toàn thân. Bà L.T.B nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, phải thở máy, huyết áp thấp, phải sử dụng vận mạch liều cao.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiến hành hồi sức tích cực, với chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng ngưng tim, ngưng thở kèm đái tháo đường tuýp 2 và toan chuyển hóa nặng. Sau hồi sức tích cực, bệnh nhân được chỉ định chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu.

Sau đó, các bác sĩ can thiệp, tiến hành hút huyết khối, đặt 1 stent động mạch vành phải với thời gian 30 phút. Sau can thiệp, dòng máu chảy qua stent tốt. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để hồi sức nội khoa. Quá trình hồi sức gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân bị phù phổi, viêm phổi nặng, toan chuyển hóa, suy thận.

Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân đã ngưng được máy thở, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và chuyển đến Khoa Tim mạch can thiệp điều trị tiếp. Ngày 15/5, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn, bớt đau ngực.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thanh Phong - Giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Tỷ lệ ngừng tim đột ngột chiếm 15% tổng số trường hợp tử vong ở các nước phát triển.Với những bệnh nhân bị ngừng tim, dù cấp cứu thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp, tỷ lệ sống sót chỉ dưới 10% (ngay cả những nước có hệ thống y tế hiện đại). 

Các bệnh nhân được cứu sống sau ngừng tuần hoàn thường để lại di chứng tổn thương não nặng nề. Mức độ nhẹ có thể mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh. Mức độ nặng có thể liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật). Hậu quả làm tăng gánh nặng chăm sóc, chi phí lên gia đình và xã hội. Bệnh nhân L.T.B không có di chứng thần kinh cho thấy, kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn đã được thực hiện tốt, giúp người bệnh đảm bảo tuần hoàn, duy trì sự sống của các tạng. 

Bác sĩ khuyến cáo người dân nói chung, đặc biệt người bệnh có tiền sử bệnh tim, khi xuất hiện đau tức ngực, khó thở cần đến ngay những cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời; đồng thời, cần đi khám tim định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, có hướng điều trị, tránh các biến chứng nặng.

Ánh Tuyết (TTXVN)
Cứu sống nạn nhân ngưng tim ngoại viện do điện giật
Cứu sống nạn nhân ngưng tim ngoại viện do điện giật

Một bệnh nhân nam bị ngừng tuần hoàn ngoại viện do bị điện giật đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ nỗ lực cứu sống với cơ hội tưởng chừng rất mong manh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN