Cứu sống nạn nhân ngưng tim ngoại viện do điện giật

Một bệnh nhân nam bị ngừng tuần hoàn ngoại viện do bị điện giật đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ nỗ lực cứu sống với cơ hội tưởng chừng rất mong manh.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhân T.P.H. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 30/4, nạn nhân T.P.H (36 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) khi đang dùng máy hàn để hàn sắt tại nhà thì bị điện giật, ngã bất tỉnh, ngưng tim. Anh được người nhà đưa vào Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở.

Ngay lập tức, bệnh nhân được kíp trực cấp cứu khẩn trương hồi sức tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực, tiêm adrenalin, bóp bóng oxy, đặt nội khí quản).

Gần 20 phút trôi qua, ê kíp vẫn nhận thấy bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu của sự sống. Không bỏ cuộc, ê kíp tiếp tục quy trình hồi sức. Đến phút thứ 45, bệnh nhân H có mạch và huyết áp trở lại. Bệnh nhân được hỗ trợ thở máy và tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết như công thức máu, khí máu động mạch, chức năng đa cơ quan, X-Quang phổi tại giường…

Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân suy thận cấp, tăng kali máu, toan chuyển hóa và hội chứng hủy cơ vân. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiếp tục thở máy, lọc máu liên tục, hạ thân nhiệt, kiềm hóa nước tiểu, vận mạch liều cao, kháng sinh...

Sau 5 ngày điều trị tích cực, huyết áp bệnh nhân ổn định trở lại, ngừng vận mạch, bắt đầu có nước tiểu, vẫn được hỗ trợ thở máy, mở mắt không tiếp xúc. Sau 10 ngày, bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn, được rút ống nội khí quản, tình trạng ổn định và được chuyển lên Khoa Nội tổng hợp theo dõi.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phan Thị Phụng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân được cứu sống nhờ cấp cứu ban đầu kịp thời và chính xác. Tuy nhiên, để tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân khi bị điện giật, bác sĩ khuyến cáo người dân cần nắm vững các kiến thức về xử trí cấp cứu tại chỗ.

Những lưu ý khi cấp cứu nạn nhân bị điện giật là: Cần khẩn trương ngắt cầu dao điện hoặc lấy thanh tre, thanh gỗ kéo dây điện ra khỏi người nạn nhân. Khi ngắt điện, cần đề phòng nạn nhân bị ngã, gây chấn thương khiến tai nạn nặng thêm. Sau đó, đặt nạn nhân nằm trên nền cứng, để cổ ngửa tối đa (trừ khi nạn nhân bị chấn thương cột sống). Nếu nạn nhân có tổn thương phối hợp (như ngã làm gãy xương, chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng hoặc đa chấn thương), tình trạng sức khỏe sẽ xấu hơn rất nhiều, cần kiểm tra để xử trí ngay.

Toàn bộ công việc sơ cấp cứu ngừng tim chỉ gói gọn trong 3 phút, do vậy người cấp cứu phải thật bình tĩnh, khẩn trương, thực hiện đúng cách và tiến hành ngay tại nơi xảy ra điện giật. Chỉ chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế để cấp cứu hồi sức khi bệnh nhân đã tự thở lại và có mạch. Trên đường chuyển nạn nhân đến bệnh viện, vẫn phải tiếp tục công việc cấp cứu, theo dõi sát sao để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng...

Ánh Tuyết (TTXVN)
Nam sinh 12 tuổi dũng cảm cứu sống người bị đuối nước
Nam sinh 12 tuổi dũng cảm cứu sống người bị đuối nước

Ngày 13/5, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Bình đã trao tặng Bằng khen cho em Mai Hải Đăng (sinh năm 2009, học sinh lớp 6 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học số 1 Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vì hành động dũng cảm cứu người bị đuối nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN