Nhiều biện pháp chặn dịch bệnh từ cổng
Gần 8 giờ sáng, tất cả các cổng của Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh đều được các nhân viên y tế đứng sẵn phân luồng, giám sát, hướng dẫn người dân ra vào một cách chặt chẽ. Không còn cảnh mạnh ai nấy đi, toàn bộ người bệnh, thân nhân được hướng dẫn theo luồng, lối cùng hệ thống đo thân nhiệt, khai báo y tế, đăng ký khám bệnh với quy luật một chiều. Sau khi qua cổng đo nhiệt độ cơ thể, người bệnh thực hiện khai báo y tế trên các máy khai báo điện tử có chức năng nhận diện khuôn mặt đặt dọc lối đi. Khai báo xong, người bệnh được hướng dẫn đến các quầy đăng ký khám bệnh lấy số thứ tự với khoảng cách nhất định. Trên lối đi, hành lang nhiều chai nước rửa tay khử khuẩn được đặt sẵn để người bệnh rửa tay liên tục sau mỗi một công đoạn khám bệnh.
Đây là hoạt động nhằm kiểm soát dịch bệnh được Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai kể từ khi dịch COVID-19 quay trở lại Việt Nam với các ca mắc mới từ Đà Nẵng. Bác sỹ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngay từ khi nhận được thông tin có những ca mắc COVID-19 mới, Bệnh viện thực hiện ngay các biện pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trong bệnh viện như: đo thân nhiệt kỹ càng, bắt buộc tất cả người đến bệnh viện đeo khẩu trang, rửa tay, khai báo y tế… thiết lập khu khám bệnh riêng đối với những nhóm bệnh có nguy cơ mắc COVID-19 cao như: bệnh tai mũi họng, hô hấp… nhằm phân luồng bệnh nhân có các triệu chứng viêm hô hấp cấp đến một khu riêng biệt.
Tương tự, những ngày qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã triển khai lắp đặt các máy đo thân nhiệt từ xa, máy rửa tay tự động cảm ứng ngay từ cửa ra vào để giám sát, phòng chống dịch COVID-19. Bệnh viện phân luồng các lối đi và thực hiện giãn cách an toàn trong tất cả khuôn viên của bệnh viện. Đặc biệt, Khoa Nhiễm được bố trí nằm tách biệt ở một tòa riêng, cách xa tòa nhà chính và các khoa, phòng khác của bệnh viện nhằm hạn chế tối đa sự lây nhiễm chéo.
Thông tin dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, phải mất mấy ngày suy nghĩ chị Lê Thị Cẩm Hồng (ngụ tỉnh Tiền Giang) mới quyết định đưa mẹ lên Thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh. Với tâm lý lo ngại, hai mẹ con chị tự trang bị kỹ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn... nhưng khi đến Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, chị lại khá yên tâm với các hoạt động sàng lọc COVID-19 tại đây. Bước vào khuôn viên bệnh viện, cũng như tất cả mọi người, chị Hồng được yêu cầu điền tờ khai y tế, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và đi qua máy quét nhiệt từ xa để được kiểm tra nguy cơ mắc COVID-19. “Tuy quá trình khai báo, kiểm tra sức khỏe có hơi mất thời gian hơn so với trước nhưng bệnh viện làm như vậy mình cũng yên tâm hơn, cảm thấy an toàn, không còn lo lắng nữa”, chị Hồng chia sẻ.
Bác sỹ Âu Thanh Tùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, toàn bộ quy trình này được thực hiện 24/7 với tất cả đối tượng ra vào bệnh viện mỗi ngày. Tuy tình hình thực tế phức tạp với lượng người ra vào lớn nhưng hệ thống tầm soát, sàng lọc và tổ chức khám chữa bệnh khoa học với nhiều lớp ngay từ cổng vào đã nhận được sự ủng hộ của người dân khi tới đây.
Nâng cao cảnh giác ở mức cao nhất
Với 75% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phố khác, khi dịch COVID-19 tái diễn phức tạp lại, Ban Giám đốc Bệnh viện Ung bướu đã lập tức thiết lập hệ thống phòng chống dịch một cách kỹ lưỡng. Ngoài kiểm soát chặt ở vòng ngoài, Bệnh viện đã chỉnh trang lại các phòng sàng lọc, phòng cách ly, thiết lập một khu cách ly riêng biệt trong khuôn viên bệnh viện với đầy đủ trang thiết bị, sẵn sàng ứng phó khi có những trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19.
Bác sỹ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Bệnh viện khuyến cáo người dân đến từ vùng dịch khi vào Bệnh viện Ung bướu bắt buộc phải sàng lọc, khai báo, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly đủ 14 ngày. Cụ thể, vừa qua, đơn vị tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân từ Đà Nẵng đến khám bệnh. Sau khi khám sàng lọc các bệnh liên quan đến bệnh ung bướu của bệnh nhân và tiến hành điều tra dịch tễ, Bệnh viện đã hội chẩn với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để lấy mẫu, hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nơi cư trú. Sau khi bệnh nhân cách ly đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính, chúng tôi mới tiếp nhận bệnh nhân quay trở lại khám bệnh để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân khác.
Lý giải về sự “kỹ lưỡng” này, bác sỹ Diệp Bảo Tuấn cho rằng, bệnh nhân ung thư là đối tượng có nhiều nguy cơ nhiễm các bệnh lý khác bởi hệ miễn dịch yếu, nếu mắc thêm COVID-19, bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn, nguy cơ tử vong cao. Do đó, để hạn chế bệnh nhân ung thư mắc COVID-19, Bệnh viện kiên quyết không cho thăm bệnh, hạn chế tối đa người nuôi bệnh, một người bệnh chỉ được một người nuôi; đồng thời đưa ra khung giờ cho phép người nuôi bệnh lên phòng bệnh, hạn chế người nuôi bệnh có mặt thường xuyên tại các khoa, phòng.
Lo ngại nguy cơ bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện mắc COVID-19, nhất là đối với bệnh nhân nặng, Bệnh viện Chợ Rẫy không cho phép thăm bệnh, giảm người nhà lên các khoa và bắt buộc cố định chỉ một người nuôi bệnh ít nhất trong một tuần, mỗi lần thay người nuôi bệnh phải kiểm tra sức khỏe ngay từ ban đầu. Đối với bệnh nhân thận nhân tạo, Bệnh viện bố trí luồng đi riêng, thiết lập khu chạy thận riêng cho những bệnh nhân có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp. “Chúng tôi luôn cảnh giác cao độ với tất cả các yếu tố có thể khiến dịch COVID-19 xâm nhập vào bệnh viện. Cũng nhờ tinh thần đó nên trong thời gian vừa qua, dù có một số bệnh nhân mắc COVID-19 từng đến Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng đã không lây nhiễm cho người bệnh khác và các nhân viên y tế”, bác sỹ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.
Nhằm đảm bảo an toàn cho các bệnh viện, ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh hoạt động khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, tất cả các bệnh viện phải tổ chức các buồng sàng lọc COVID-19 ngay tại Khoa cấp cứu. Tất cả người bệnh đến khám bệnh cấp cứu đều phải qua phòng khám sàng lọc và chỉ chuyển vào Khoa Cấp cứu khi đã được sàng lọc, khai thác kỹ dịch tễ. Trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân được chuyển thẳng đến khu cách ly. Tất cả nhân viên y tế làm việc tại buồng cấp cứu luôn sử dụng các phương tiện bảo hộ.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải chủ động xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 từ những chùm ca bệnh (những người bệnh có cùng các triệu chứng cảm cúm, ho, sốt và có liên quan nhau về yếu tố dịch tễ) tại khu khám bệnh hoặc từ những trường hợp viêm phổi nặng không lý giải được nguyên nhân tại các khoa điều trị nội trú của bệnh viện. Khi có yếu tố nghi ngờ, cần tổ chức hội chẩn để xem xét chỉ định xét nghiệm tìm virus SARS-CoV-2.
“Ổ dịch từ Đà Nẵng đã lây lan ra rất nhiều tỉnh, thành trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, đều xuất phát từ Bệnh viện Đà Nẵng. Do đó, phải tìm mọi cách phòng ngừa với mục tiêu không để bệnh viện trở thành ổ dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như cộng đồng”, ông Tăng Chí Thượng yêu cầu.