36/41 bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội đảm bảo chi thường xuyên

Theo Sở Y tế Hà Nội, đến hết năm 2022, ngành Y tế thành phố có 36/41 bệnh viện tự đảm bảo chi thường xuyên, đạt 88%. Đây là các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa. Ngành phấn đấu đến năm 2025 nâng mức tự chủ thường xuyên của 37 đơn vị thuộc khối y tế dự phòng, trung tâm chuyên khoa và bệnh viện khám chữa bệnh cho đối tượng đặc thù.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên là các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đặc thù như Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Hàng năm, Sở Y tế đều xây dựng kế hoạch và có giải pháp phấn đấu nâng mức tự chủ của các đơn vị này đạt 30 - 70%. Một số đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên là các Bệnh viện điều trị bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS.

Ngành Y tế đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 nâng mức tự chủ chi thường xuyên của 37 đơn vị bao gồm 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; 6 trung tâm chuyên khoa gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Trung tâm Tư vấn dân số Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Bệnh viện Phục hồi chức năng - đơn vị khám chữa bệnh cho các đối tượng đặc thù.

Để thực hiện chỉ tiêu trên, ngành gặp không ít khó khăn do nguồn thu thấp, giá thanh toán cho một lần khám bệnh, giá trị thanh toán trung bình đối với đơn thuốc tại tuyến y tế cơ sở thấp nhất trong các tuyến. Tuyến y tế cơ sở khó thu hút người mắc bệnh mạn tính như: tiểu đường, tăng huyết áp…do không thể cung ứng được thuốc tương tự như tuyến quận, huyện và tuyến thành phố vì thường kèm theo giá thành cao hơn. Tâm lý người bệnh thường mong muốn chuyển lên tuyến trên để được hưởng các dịch vụ y tế, thuốc chất lượng hơn.

Bảo hiểm y tế vẫn là nguồn thu chủ yếu của công tác khám chữa bệnh. Không phải cơ sở y tế nào cũng có cơ sở vật chất hiện đại, nhân lực chất lượng cao, vị trí thuận lợi để có thể thực hiện được dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, xã hội hóa, nhất là các bệnh viện tuyến huyện. Trong khi đó, địa bàn thành phố tập trung nhiều cơ sở y tế của Bộ Y tế, các bộ ngành khác và cả cơ sở y tế tư nhân nên có sự cạnh tranh lớn trong việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và nguồn nhân lực.

Đối với các cơ sở y tế dự phòng, đơn vị y tế cơ sở, nguồn thu rất hạn chế do nhiệm vụ chủ yếu là phòng, chống dịch bệnh, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm và khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách xã hội.

Để thực hiện kế hoạch tự chủ nêu trên, Sở Y tế yêu cầu các Trung tâm Y tế đa chức năng có giải pháp cụ thể để tự bảo đảm chi thường xuyên của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, lãnh đạo phải thay đổi nhận thức và có hành động cụ thể để thực hiện tự chủ tại đơn vị, xây dựng chiến lược, kế hoạch để triển khai; đồng thời tạo lập mô hình quản lý chuyên môn, quản trị tài chính, tài sản, hạch toán kế toán đảm bảo được tính đồng nhất…

Từng đơn vị cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ công theo hướng chuyên sâu, chất lượng cao. Nâng cao chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của đơn vị. Sắp xếp, kiện toàn lại đảm bảo bộ máy tinh gọn, có cơ cấu hợp lý; ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, tăng nguồn thu và tiết kiệm chi, nâng mức tự chủ của đơn vị.

Sở Y tế báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến cơ chế thanh toán bảo hiểm; cơ chế, chính sách về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế về giá dịch vụ sự nghiệp công. Cùng với đó là nghiên cứu, rà soát, cập nhật các chế độ chính sách mới ban hành theo ngành, lĩnh vực để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tạo điều kiện để nâng mức tự chủ tài chính thành công Sở nghiên cứu, xây dựng đầy đủ cơ sở dữ liệu quản lý ngành, lĩnh vực về dịch vụ sự nghiệp công trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tiến tới chuyển đổi số để giảm chi phí vận hành, tăng nguồn thu cho đơn vị.

Tuyết Mai (TTXVN)
Mua sắm trang thiết bị y tế: Bệnh viện có thể lấy báo giá trực tiếp từ nhà cung cấp
Mua sắm trang thiết bị y tế: Bệnh viện có thể lấy báo giá trực tiếp từ nhà cung cấp

Để tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư này được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng giá gói thầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN