TP Hồ Chí Minh có gần 150 dự án vướng về điều kiện pháp lý ở 3 cấp độ

Nhiều dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận đang được cơ quan chức năng tích cực tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, nhất là trong bối cảnh các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã có hiệu lực.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Các dự án được tháo gỡ sẽ góp phần tạo thêm nguồn cung sản phẩm nhà ở và khơi thông thị trường bất động sản, đồng thời tạo thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), thời gian qua, trên địa bàn thành phố có 148 dự án đang vướng về điều kiện pháp lý ở cả 3 cấp độ nên không thể triển khai. Đầu tiên là vướng một số quy định của các luật.

Thứ hai là vướng một số quy định của văn bản dưới luật, điển hình là vướng mắc, ách tắc trong công tác định giá đất cụ thể, chủ yếu là việc áp dụng phương pháp thặng dư để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khiến nhiều chủ đầu tư dự án không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và khách hàng mua nhà không được cấp sổ hồng. Cuối cùng là vướng khi thực thi khi một số quy định pháp luật chưa cụ thể hoặc chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Trên cơ sở kiến nghị và rà soát của các cơ quan chức năng, TP Hồ Chí Minh đã tổng hợp, xem xét 30 dự án gặp vướng mắc về pháp lý. Cụ thể, vào tháng 5/2023, UBND TP Hồ Chí Minh đã  thành lập Tổ công tác của TP Hồ Chí Minh về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản. Từ đó đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có 8 dự án đã được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn, 22 dự án đang tiếp tục tham mưu xử lý theo quy định.

Cụ thể, các dự án đã được gỡ vướng gồm Khu phức hợp Sóng Việt (Công ty CP Quốc Lộc Phát), Khu nhà ở xã hội (Công ty CP VTHouse và Công ty CP Tân Giao), dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; Khu chung cư và thương mại Metro Star (Công ty CP Đầu tư Metro Star), Khu Liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng (tên thương mại là Celadon City) của Công ty CP Gamuda Land; Khu đất diện tích hơn 11.000 m2 tại huyện Hóc Môn của Công ty CP Western Sài Gòn; Dự án khu nhà ở cao tầng Sông Đà - Thăng Long, Quận 7 của Công ty CP Hưng Thịnh Incons; Khu giáo dục quận Bình Thạnh của Công ty Trí Tuệ.

Việc dự án được tháo gỡ về mặt pháp lý, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai xây dựng, hoàn thiện, bàn giao nhà cho khách hàng cũng như tiến hành hoàn thiện thủ tục pháp lý khác liên quan. Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đã dần phục hồi, từ mức âm trong năm 2023 đã tăng trưởng dương từ đầu năm nay. Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc, Savills Việt Nam cho rằng, nguồn cung sơ cấp hạn chế, tuy nhiên sẽ cải thiện trong các quý tới. Luật sửa đổi, quy hoạch cập nhật và các dự án hạ tầng trọng điểm được kỳ vọng là lực đẩy hỗ trợ thị trường.

Mới đây, dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland với quy mô gần 1.000 ha tại Đồng Nai, được quy hoạch trở thành khu đô thị Vệ tinh phía Đông của TP Hồ Chí Minh cũng đã đạt được bước tiến quan trọng về mặt pháp lý khi được Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Nai chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua. Nội dung điều chỉnh vừa được công bố tập trung vào quy mô dân số và chỉ tiêu đất đai tại phân khu C4, thuộc một phần khu đô thị phía Tây đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đây là bước pháp lý quan trọng tháo gỡ cho nhiều dự án của nhiều doanh nghiệp; đảm bảo sự đồng bộ các cấp quy hoạch tiếp theo, mở đường cho việc hoàn tất điều chỉnh quy hoạch phân khu C4 và quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án Aqua City, dự kiến hoàn tất vào đầu năm 2025. Qua đó, giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án để tiến hành xây dựng, bàn giao hàng ngàn căn nhà cho khách hàng.

Liên quan đến dự án này, Tập đoàn Novaland cho biết, hiện các ngân hàng đã giải ngân gói tín dụng lên đến 3.250 tỷ đồng để triển khai xây dựng phân khu trong Aqua City. Đồng thời, một số tổ chức tài chính cam kết cung cấp thêm các gói vay với tổng giá trị trên 10.000 tỷ đồng để Novaland tiếp tục triển khai hạ tầng, xây dựng và bàn giao nhà cho khách hàng trong năm 2025-2026.

Chia sẻ thêm về việc tháo gỡ vướng mắc của các dự án bất động sản, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội phân tích: Việc giải quyết các vướng mắc pháp lý đang dần cải thiện, mở ra cơ hội cho các dự án mới được triển khai. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra từ từ và khó có thể đáp ứng ngay lập tức nhu cầu đa dạng về sản phẩm trên thị trường.

Bộ ba Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở được áp dụng sớm, cùng các văn bản hướng dẫn đã dần được công bố sẽ tiếp tục mang lại những tác động tích cực cho thị trường, song quá trình này sẽ không diễn ra nhanh chóng. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cũng mong muốn Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi luật mới được ban hành.

A.Tuấn (TTXVN)
Thể chế pháp lý về đất đai, bất động sản đang dần được tháo gỡ
Thể chế pháp lý về đất đai, bất động sản đang dần được tháo gỡ

Ngày 27/11, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản và trao chứng nhận Dự án đáng sống 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN