Năm 2016, có khoảng 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đà tăng trưởng này dự kiến được kéo dài, ước đạt 18 triệu khách du lịch vào năm 2030. Điều này khẳng định sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam với vị thế là điểm đến du lịch nổi bật trong khu vực Đông Nam Á.
So sánh lượng khách du lịch và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam với các nước ASEAN. Nguồn: Savills |
Trung Quốc và Nga là hai nhóm khách du lịch phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Khách Nga được miễn thị thực du lịch và họ ưa thích việc nghỉ dưỡng tại Việt Nam vì chi phí thấp hơn so với các điểm đến khác trong khu vực. Ngay cả khi đồng Rúp mất giá, khách du lịch Nga đến Việt Nam vẫn tăng đều qua các năm.
Trong khi đó, tầng lớp trung lưu đang tăng ở Trung Quốc, tạo nên nguồn cầu lớn cho du lịch quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN, nơi có chi phí du lịch hợp lý. Trong năm 2016, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc với mục đích công tác và du lịch, tăng 50% so với năm 2015. Khách du lịch Trung Quốc đến ASEAN được dự báo tăng gấp đôi trong 10 năm tới.
Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này, tính đến năm 2016, nguồn cung lưu trú du lịch tại Việt Nam đã tăng 18% theo năm, đạt 420.000 phòng (chỉ tính những loại hình được xếp hạng). Tăng trưởng du lịch đang tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường khách sạn, đặc biệt là phân khúc trung và cao cấp.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản Savills Việt Nam, từ năm 2013 đến 2016, nguồn cung khách sạn 4-5 sao tăng trung bình 20% hàng năm. Các thành phố nghỉ dưỡng và đảo của Việt Nam đã vượt qua TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trong tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế.
Nguồn cung khách sạn tại các trọng điểm du lịch của Việt Nam. Nguồn: Savills. |
Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn và là lựa chọn mới cho khách du lịch quốc tế, với tốc độ tăng trưởng khách đến 40%. Trong khi đó, Đà Nẵng trên 30%, Nha Trang ở mức 23%, vượt qua tốc độ tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh (10%) và Hà Nội (19%).
Nếu xét về nguồn cung, TP Hồ Chí Minh có nguồn cung khách sạn lớn nhất Việt Nam, xấp xỉ khoảng 16.000 phòng khách sạn 3-5 sao, hơn 70% so với Hà Nội. Trong năm 2016, cả hai đều có công suất khoảng 70%, nhưng tỉ lệ nguồn cung tương lai sẽ khác nhau.
Nha Trang có lượng nguồn cung khách sạn lớn nhất trong số các thành phố ven biển, với hơn 12.000 phòng khách sạn 3-5 sao và có công suất được thuê cao nhất. Trong năm 2016, thành phố có 1,2 triệu khách du lịch quốc tế, thấp hơn 30% so với Đà Nẵng.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt loại hình bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục phát triển mạnh với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, tầng lớp trung lưu Việt Nam. Nhìn chung trong quý I năm 2017, số lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng không nhiều do đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Quý 2 năm 2017, dự báo giao dịch sẽ tăng trở lại do một số dự án lớn có quy mô hàng nghìn căn hộ được chào bán trong quý này.