Nới rộng chính sách mua nhà cho người nước ngoài

Tại Việt Nam, với việc Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo về chính sách cho người nước ngoài mua nhà với những điều kiện nới rộng hơn. Chính sách này nếu được áp dụng sẽ mở rộng hơn cơ hội được sở hữu nhà tại Việt Nam của người nước ngoài. Tuy nhiên, không ở chỉ ở Việt Nam, tại nhiều nước trên thế giới, việc người nước ngoài mua nhà ở hoặc đất đai luôn là một vấn đề khá phức tạp.

 

Tạo điều kiện mua và sở hữu nhà


Theo Bộ Xây dựng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn, việc đưa ra các chính sách nới rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà là cần thiết.

 

Có nhu cầu nhưng khó tiếp cận


Sau 5 năm thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì số người nước ngoài mua được nhà trong cả nước còn quá ít.


 

Khu Villas cao cấp Saigon Pearl.

Theo Cục Đăng ký và Thống kê (Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến ngày 1/2/2013, cả nước có 427 người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều) và người nước ngoài đang sống tại Việt Nam được sở hữu nhà, trong đó Hồ Chí Minh chiếm 342 trường hợp. Trong đó, chỉ có 64 người nước ngoài đứng tên sở hữu nhà tại Việt Nam, con số này quá ít so với tổng số hơn 80.000 người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc trong cả nước.


Hiện nay, các điều kiện để người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn rất khắt khe theo quy định, việc người nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam chỉ mới dừng ở mức thí điểm. Chính sách cho người nước ngoài mua nhà đang khiến hầu hết người nước ngoài khó tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở. Cụ thể nhất là việc quy định người nước ngoài chỉ được phép thuê dài hạn, mà không được phép sở hữu nhà. Còn đối với những người đủ điều kiện để mua nhà thì lại không được cho thuê lại.


Sau hơn 2 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, chị Heidrun (quốc tịch Đan Mạch) có nhu cầu mua nhà để ở lâu dài. Chị Heidrun cho biết, chị đang phải thuê một căn hộ với giá khá cao là 2.000 USD/ tháng nên chị muốn mua một căn nhà để ở. Tuy nhiên, điều kiện để người nước ngoài sở hữu được BĐS tại Việt Nam rất khó khăn, như: Phải có thẻ thường trú một năm trở lên; phải là người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có bằng đại học; kết hôn với công dân Việt Nam; có đóng góp cho đất nước Việt Nam và được Chủ tịch nước tặng Bằng khen… Vì vậy, chị vẫn chưa mua được nhà như mong muốn.


Chị Khánh Ngọc, chuyên viên sàn bất động sản Info cho biết, nhiều người nước ngoài phải nhờ người thân, quen ở Việt Nam đứng tên căn hộ mua tại Việt Nam nhưng lại lo ngại sẽ xảy ra tranh chấp tài sản sau này…

 

Cân nhắc “nới” chính sách


Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam một mặt sẽ giúp chúng ta tiêu thụ những sản phẩm BĐS, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Do đó, Bộ Xây dựng đang tập trung xây dựng chính sách để trình Chính phủ xem xét. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có kế hoạch tổng kết 5 năm thí điểm chính sách cho tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại Việt Nam theo Nghị quyết 19 của Quốc hội. Mục đích nhằm bổ sung vào Luật Nhà ở sửa đổi hoặc trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng và tạo thuận lợi hơn về điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.


Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho Việt Kiều và người nước ngoài trên địa bàn thành phố. Theo đó, kể từ ngày 4/5/2013, các đối tượng nói trên với tư cách là người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, sở hữu tài sản khác gắn liền trên đất đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, nghĩa vụ tài chính sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, tài sản.


Mặc dù đồng ý với chủ trương của Bộ Xây dựng về việc nới các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà nhưng TS Phạm Sỹ Liên, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, vẫn cần cân nhắc một số điều kiện. Theo đó, chỉ nên cho người nước ngoài mua nhà trong 30 năm, và sau đó, tùy theo điều kiện cụ thể mới gia hạn tiếp. Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần điều tra thị trường về nhu cầu thực tế của người nước ngoài và Việt kiều.
Cũng có ý kiến cho rằng, chỉ nên hướng người nước ngoài vào một số phân khúc nhà ở nhất định như căn hộ chung cư hoặc biệt thự. Bên cạnh quyền cho mua thì cần tạo điều kiện cho người nước ngoài được cho thuê nhà ở mà họ được sở hữu.



Phạm Hằng - Thu Trang

Mua nhà ở nước ngoài dễ hay khó?
Mua nhà ở nước ngoài dễ hay khó?

Tại các nước khác, việc người nước ngoài mua nhà ở hoặc đất đai luôn là một quá trình phức tạp, đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN