Tại các nước khác, việc người nước ngoài mua nhà ở hoặc đất đai luôn là một quá trình phức tạp, đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý. Dù có sẵn hầu bao rủng rỉnh, nhưng khi một người nước ngoài muốn sở hữu một căn hộ hay mảnh đất thì họ còn cần phải tìm hiểu kỹ nhiều bộ luật khác nhau, chưa nói đến sự khác biệt về văn hóa, bất đồng trong ngôn ngữ cũng là một thử thách lớn.
Mua nhà ở Anh phải chịu rất nhiều khoản thuế, phí. Ảnh: VH |
Tại các nước phát triển, có thị trường bất động sản được coi là minh bạch như Mỹ, Anh, việc mua nhà đất bị ràng buộc bởi vô vàn các điều luật về bất động sản, quyền sở hữu, chuyển nhượng, vay vốn ngân hàng, thế chấp tài sản, thuế phí. Chẳng hạn tại Anh, riêng chuyện nộp phí người mua đã phải tính đến các loại phí sau: khảo sát, định giá, đặt cọc, bảo hiểm, tư vấn pháp lý, đăng ký tài sản, thuế chước bạ, chuyển nhượng thuê bao điện. Nhưng trên thực tế, chúng lại rất đơn giản nếu bạn… giao toàn quyền cho một công ty môi giới.
Trong hầu hết các trường hợp người mua hoàn toàn có quyền an tâm, bởi người môi giới bất động sản chịu sự chi phối rất khắt khe của pháp luật. Vấn đề còn lại là có tiền hay không? có chứng minh được số tiền đó có nguồn gốc hợp pháp hay không? và đó là căn nhà mua để ở hay để đầu cơ (tức là căn nhà thứ 2 trở đi)? Luật ở Mỹ hay Anh đều không phân biệt người mua nhà là người bản địa hay người nước ngoài nếu như người đó không trả góp bằng thế chấp hoặc tín chấp. Một số nước thậm chí còn chèo kéo người nước ngoài bằng cách cấp quyền công dân hoặc cư trú lâu dài nếu mua đất tại đó.
Chẳng hạn ở Tây Ban Nha, với số tiền khoảng 160 ngàn euro (gần 4 tỷ đồng) mua một căn nhà là người nước ngoài được xem xét cấp quyền cư trú tại đây. Chính phủ Tây Ban Nha ra chính sách này nhằm giải cứu thị trường nhà đất bị đóng băng từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tương tự, ở Bồ Đào Nha và Ailen, chính phủ hai nước này sẽ cấp giấy cư trú ngay cho những người ngoại quốc mua nhà đất có giá trị trên 400.000 - 500.000 euro (11-13,5 tỷ đồng).
Anh Hoàng Đình T., một Việt kiều đang sống tại Anh, cho biết hiện anh đang đầu tư mua một số BĐS ở Việt Nam nhưng đều thông qua người quen ở trong nước. Nếu thị trường BĐS mở cửa cho người nước ngoài hoặc Việt kiều, anh sẵn sàng về đầu tư trực tiếp. |
Ở Hy Lạp, đối với người mang quốc tịch ngoài Liên minh Châu Âu (EU) mà nước này là thành viên, việc mua nhà còn cần dùng đến các “mánh khóe”. Ngoài khó khăn để tìm được một công ty bất động sản thành thạo ngoại ngữ khác tại Hy Lạp thì người nước ngoài cũng phải thuê một luật sư người bản địa để hỗ trợ các thủ thục pháp lý cần thiết như mở một tài khoản ngân hàng tại Hy Lạp và đăng kí mã số thuế. Sau đó, chính phủ nước này sẽ yêu cầu chứng minh nguồn gốc đối với khoản tiền họ dành để mua nhà. Nếu không thể chứng minh rõ, người mua sẽ bị mất thêm thuế. Tại một số khu vực lân cận vùng quân sự, di tích lịch sử, hầu hết người ngoại quốc đều không thể mua nhà ở đây trừ khi họ được sự cho phép đặc biệt từ chính phủ.
Ở các nước đang phát triển, do hệ thống luật pháp thiếu đồng bộ nên có rất nhiều vấn đề phát sinh đối với người nước ngoài muốn mua bất động sản. Tại Mexico, với những người không mang quốc tịch, đây được đánh giá là một nơi khó để sở hữu nhà đất. Đất đai tại Mexico được phân chia chặt chẽ thành 4 loại. Trong đó khu vực sát bờ biển hơn 20 mét đầu tiên trên khắp quốc gia thuộc quyền sở hữu nhà nước, không ai được phép mua bán. Thứ hai là khu vực bao gồm 50 km tính từ khu vực đất nhà nước quản lý và 100 km tính từ đường biên giới đổ về, người ngoại quốc có thể mua nhà đất thông qua một ngân hàng tín chấp. Loại đất thứ ba là đất thuộc sở hữu toàn dân thường dùng để canh tác nông nghiệp và có thể chuyển đổi sang sở hữu cá nhân nhưng qui trình này vô cùng phức tạp đối với một người ngoại quốc. Tại khu vực còn lại, thủ tục sở hữu đất đai có phần đơn giản hơn.
Thuộc khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nước có chính sách đất đai rất chặt chẽ. Người ngoại quốc không thể mua đất tại quốc gia này. Tuy có thể mua nhà ở, cho thuê căn hộ nhưng trên thực tế những người không mang quốc tịch Thái vẫn chỉ được sở hữu dưới 49% tổng giá trị tài sản. Phần còn lại phải do một người bản địa mua cùng. Với luật pháp quy định như vậy, quyền sở hữu về mặt pháp lý sẽ rất phức tạp. Bên cạnh đó, các ngân hàng tại Thái Lan sẽ không bao giờ hỗ trợ người ngoại quốc vay vốn để mua nhà. Khi có đủ tiền, một người không phải công dân Thái vẫn còn phải thực hiện rất nhiều quy trình để mua được một ngôi nhà tại đây.
P.V