Theo lộ trình đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, năm 2013, phải căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) lần đầu trong phạm vi cả nước. Với đặc thù vị trí địa lý Thủ đô – Trung tâm chính trị - kinh tế- văn hóa của cả nước, thời gian qua, các cấp chính quyền TP Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều giải pháp và giám sát, tổ chức thực hiện việc cấp GCN ở tất cả các địa phương trên địa bàn. Tuy nhiên, với nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan, công tác cấp GCN của Hà Nội vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết thấu đáo.
Hà Nội hiện có 125.000 trường hợp sử dụng đất còn tồn đọng, vướng mắc chưa thể cấp 'sổ đỏ'. Ảnh: dantri.com.vn |
*Tồn tại ngay từ ý thức Sự việc một cán bộ tại bộ phận một cửa của UBND Quận Đống Đa bị điều chuyển công tác do có hành vi sách nhiễu người dân là một ví dụ cụ thể cho thấy, một trong những khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp GCN quyền sử dụng đất bắt nguồn ngay từ ý thức, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ công chức. Cái sai của vị cán bộ này là ở chỗ cố tình gây khó dễ cho người dân khi người dân làm thủ tục sang tên "sổ đỏ" mặc dù đã có thông báo thuế của cơ quan thuế, nhưng Văn phòng một cửa vẫn cố tình trả lại mà không giải thích lý do, gây bức xúc trong nhân dân.
Thực tế hiện nay hầu hết báo cáo của các địa phương về cải cách thủ tục hành chính mới chỉ đề cập đến số lượng thủ tục hành chính đã được tiếp nhận và giải quyết còn việc giải quyết được bao nhiêu hồ sơ đúng thời gian quy định thì không được nhắc đến. Sự việc trên thể hiện sự vào cuộc kịp thời của đạo TP nhưng trên thực tế, trường hợp này không phải là quá hiếm gặp đối với mỗi người dân trong quá trình làm thủ tục “xin” cấp sổ đỏ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ kế hoạch “phủ sóng” sổ đỏ của TP.
Tổng hợp kết quả thanh tra về thực hiện công vụ và việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp GCN, nhiều quận huyện báo cáo kết quả thanh tra không thể hiện kết quả thanh tra đối với từng xã, thị trấn, nội dung sơ sài không làm rõ nội dung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong cấp GCN theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường; điển hình là: Thạch Thất, Hoài Đức, Ba Vì, Ứng Hòa, Đống Đa, Hoàn Kiếm.
Trần thuật lại câu chuyện về quá trình đi "xin" làm sổ đỏ của mình trong vai một người dân tại một buổi giao ban trực tuyến công khai do lãnh đạo UBND TP chủ trì, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa đúc kết “không nên làm hồ sơ thủ tục hành chính” ở ngay tại “bộ phận một cửa”. “Vi hành” trong vai chủ một doanh nghiệp có nhu cầu cấp sổ đỏ cho dự án, ông Nghĩa đến bộ phận một cửa của quận Hoàng Mai để nộp hồ sơ cho một vài trường hợp còn sót lại. Ngay lập tức, cán bộ ở đây đã trả lại hồ sơ của ông với lý do chưa đầy đủ theo quy trình mà bộ hồ sơ đó.
Theo ông Nghĩa – một người quản lý trực tiếp công tác cấp GCN của TP, cả dự án đó đã được Sở thẩm định xong, đáng lẽ chỉ cần bổ sung thêm thủ tục hồ sơ thì vị cán bộ này đã bắt ông phải làm lại hồ sơ mới từ đầu. Theo ông Nghĩa, hiện chỉ có duy nhất quận Hoàng Mai khi giải quyết cấp GCN nhà ở dự án yêu cầu các tổ chức phải chuyển qua bộ phận một cửa.
Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, có trường hợp người dân cầm sổ đỏ lên quận xin nộp thuế để xóa nợ trước bạ ghi trong sổ đỏ. Sổ đỏ là pháp lý cao nhất, đáng lẽ quận phải giải quyết ngay cho dân. Tuy nhiên, cán bộ quận đã yêu cầu người dân quay về phường để xin các giấy tờ xác minh liên quan đến việc cấp đất, sổ đỏ cho người dân, có thể phường cũng không có. “Thủ tục qua bộ phận một cửa ở các quận, huyện rất cứng nhắc, bất cập, phải thẩm định nhiều lần, gây phiền hà cho dân. Vì vậy theo tôi, về các thủ tục này cần phải chỉnh sửa cho thuận tiện” – ông Nghĩa đề nghị.
Nói về tồn tại trong công tác cấp GCN, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, sai sót chủ yếu ở cấp xã, phường trong việc thụ lý hồ sơ để hoàn thiện thủ tục cấp GCN chậm, đòi thêm thành phần hồ sơ ngoài thủ tục đã công bố, áp dụng qui định về cấp GCN thiếu chính xác, xác nhận không đúng về nguồn gốc, loại đất và thời điểm sử dụng đất.
Hiện nay, còn quận Đống Đa chưa thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Nhiều quận, huyện khi gặp các vướng mắc đã không đề ra biện pháp giải quyết dứt điểm, hoặc đề xuất báo cáo UBND giải quyết. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất còn kéo dài thời gian thụ lý, thẩm định hồ sơ cấp GCN; chậm có văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ, hoặc đã có văn bản thông báo bổ sung hồ sơ nhưng nằm ngoài danh mục thủ tục hành chính đã công bố, gây khó khăn cho người dân.
Phân tích về tình trạng vướng mắc trên, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, về khách quan quá trình triển khai công tác cấp GCN phải thực hiện nhiều văn bản từ Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội. Trong khi đó, lượng hồ sơ kê khai cấp GCN quá nhiều, tính chất phức tạp và năng lực thực hiện của các cán bộ ở một số nơi còn hạn chế. Hơn nữa, thị trường bất động sản trên địa bàn TP có nhiều diễn biến phức tạp, tăng dân số cơ học, không kiểm soát được nhu cầu về nhà ở dẫn đến việc chuyển nhượng nhà đất trái phép..
* Khó khăn trong thẩm định hồ sơ Qua rà soát, Hà Nội hiện có 125.000 trường hợp sử dụng đất còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc chưa thể tiến hành cấp GCN. Nguyên do, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng dất trái phép, giao đất trái thẩm quyền… Dự kiến trong tương lai, Hà Nội phải cấp GCN cho khoảng 590.000 căn hộ, nhà liền kề, nhà biệt thự tại các dự án. Nhưng hiện, tỷ lệ cấp GCN cho đối tượng này còn thấp, với khoảng 200.000 trường hợp vướng mắc cần tháo gỡ mà chủ yếu là do chủ đầu tư.
Khảo sát vòng quanh TP, nhất là các khu vực ngoại thành, có thể thấy nhiều dự án, công trình được phá dỡ, rào rậu từ nhiều năm nay, thậm chí nhiều dự án xây dựng gần xong với hàng loạt các khẩu hiệu thi công nhưng tại thời điểm này đều vắng bóng người lao động. Nhiều công trình khác lại vi phạm nghiêm trọng về quy hoạch, thiết kế xây dựng đã được duyệt nên không đủ điều kiện cấp GCN.
Hậu quả lớn hơn là có những chủ đầu tư chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai đã xây dựng và bán nhà ở, chủ đầu tư bị khởi tố, thi hành án nên việc lập căn cứ để cấp GCN rất khó khăn. Cũng có chủ đầu tư còn thiếu quan tâm đến quyền lợi của người mua nhà, chậm trễ trong việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp GCN do tình trạng mua đi, bán lại nhà đất và bên mua chưa nộp đủ giấy tờ hoặc mua nhà cho mục đích kinh doanh kiếm lời...
* Vướng mắc từ chính sách Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đất đai, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị đôn đốc các ngành chức năng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu sớm hoàn tất công tác cấp GCN trên địa bàn. Tuy nhiên, theo các cán bộ làm công tác đăng ký thống kê (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm triển khai Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về cấp GCN nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể trong những trường hợp đăng ký biến động.
Ngoài ra, quy định phải có sơ đồ nhà ở và công trình xây dựng trong thủ tục cấp GCN cũng chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ gây khó khăn cho đơn vị thực hiện, áp dụng pháp luật như việc lập sơ đồ, bản vẽ này trên do cơ quan nào thực hiện; yêu cầu về mức độ chính sách của sơ đồ theo quy định nào và kinh phí do ai chi trả?.
Việc quy định về nơi nộp hồ sơ xin cấp GCN, đăng ký biến động về sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ở cấp huyện hiện nay cũng chưa thống nhất. Nghị định 88/CP quy định: “Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ và nhận GCN tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc UBND xã, thị trấn nơi có đất, tài sản gắn liền với đất” và Quyết định 93/QĐ-TTg ngày 22/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp huyện dẫn đến việc không hợp chung một đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (còn nữa).
Minh Nghĩa