Trong khi nguồn cung thiếu, nhà ở xã hội cũng khan hàng và đòi hỏi nhiều thủ tục khó khăn, thậm chí phải bốc thăm để được quyền mua thì thông tin nhiều doanh nghiệp sẽ đổ vốn là phân khúc nhà giá rẻ được thị trường đón nhận và mong đợi.
Trước đây, hầu như chỉ có các doanh nghiệp nhà nước tham gia phân khúc nhà ở xã hội như Viglacera, Handico 5, HUD, Vinaconex... Nhưng mới đây nhiều doanh nghiệp tư nhân tên tuổi đã công bố sẽ chính thức cạnh tranh “bung hàng” căn hộ giá rẻ.
Đáng chú ý phải kể đến Tập đoàn Vingroup - đơn vị chuyên đầu tư phát triển các dự án cao cấp đã tuyên bố sẽ xây dựng từ 200.000 đến 300.000 căn hộ trong 5 năm tới tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Theo đó, 7 địa bàn được Vingroup nhắm tới để xây dựng nhà ở giá rẻ với thương hiệu VinCity là Hà Nội, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Nha Trang.
Theo Vingroup, mặc dù VinCity thuộc phân khúc bình dân, nhưng dự án VinCity sẽ có hạ tầng đồng bộ và các dịch vụ đầy đủ như của dự án cao cấp Vinhomes. Dự kiến, tại Hà Nội,Vingroup sẽ thực hiện dự án quy mô 300 ha tại huyện Gia Lâm và một dự án tại huyện Đan Phượng trên diện tích đất 130 ha.Tại TP Hồ Chí Minh cũng sẽ có dự án gần 20 ha tại quận 7 và gần 300 ha tại quận 9.
Cùng đó, thị trường đón thêm tin vui khi Tập đoàn Mường Thanh cũng công bố sẽ làm nhà giá rẻ 500 triệu đồng/căn. Như vậy, nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới với sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp. Điều này đem lại nhiều lợi ích cho các khách hàng có khả năng chi trả khiêm tốn.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho rằng, thủ tục về đầu tư xây dựng, thủ tục hành chính, những quy định của pháp luật được thực thi ở địa phương cần phải công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Cùng với cơ chế ưu đãi, các chính sách pháp luật hiện có, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện triển khai xây dựng nhà ở xã hội một cách thuận lợi trong thời gian tới.