Do đó, Chính phủ cần quy hoạch lại các khu vực để xây dựng mô hình nhà ở phù hợp cho công nhân để tăng cung cho phân khúc này - ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết, hiện hệ thống chính sách đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã đầy đủ và cụ thể qua các hành lang pháp lý như Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Thế nhưng, kết quả phát triển nhà ở xã hội; trong đó có nhà ở công nhân chưa được như kỳ vọng.
Hiện cả nước mới phát triển được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội, đạt 42%; nhà ở công nhân hoàn thành 28% so với nhu cầu 8,3 triệu m2. Kết quả này chưa cao – ông Hưng thừa nhận.
Phân tích về nguyên nhân, ông Hưng cho rằng, trong quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100 đã quy định về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, xây dựng hạ tầng phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương chưa thực hiện điều này.
Cùng đó, nút thắt về nguồn vốn cũng là rào cản, nhất là khi người có thu nhập thấp, khách hàng chưa được tham gia vay vốn. Trong khi đó, nguồn vốn chính phủ dành ra phát triển nhà ở xã hội cũng rất hạn chế. Sau gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc, gần đây, Chính phủ mới vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét cấp thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng bù lãi suất để nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân – ông Hưng dẫn chứng.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, dòng vốn 1.000 tỷ đồng cho vay và 2.000 tỷ đồng để bù lãi suất chưa thực sự hỗ trợ được thị trường. Nhà ở cho công nhân đang ngày càng trở nên quan trọng. Về cơ bản, chất lượng cuộc sống, điều kiện đi lại của công nhân trong khu công nghiệp chưa được hỗ trợ và cải thiện nhiều. Do đó, cần có một chính sách thực sự chất lượng, đi đúng vào nhu cầu của họ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hà cũng cho rằng, vấn đề nhà ở công nhân không phải mới mà cần có chính sách mạnh mẽ hơn. Từ năm 2018, Nhà nước đã có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội (nhà công nhân viên chức, nhà công nhân và nhà sinh viên) nhằm hỗ trợ giải quyết nhu cầu nhà ở lớn. Tuy nhiên, khó khăn hiện còn ở chỗ công nhân có thu nhập thấp nên cũng chưa thể đáp ứng được khả năng thuê, mua loại hình nhà ở này.
Về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Đức Đạt - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô nhận xét, nhà ở công nhân là một trong những mô hình nhà ở xã hội. Mặc dù nhà ở xã hội đang phát triển tốt nhưng tỷ lệ nhà công nhân đang xây dựng phục vụ cho nhu cầu người lao động tại các khu công nghiệp vẫn còn rất thấp và chắc chắn sẽ thiếu hụt trong tương lai.
Ông Đạt cũng thẳng thắn bày tỏ, doanh nghiệp rất khó để tham gia phát triển nhà ở công nhân. Khách hàng là công nhân có sức mua và sức thuê rất thấp cũng như tập tính sinh hoạt khác biệt, chưa đảm bảo sự gắn bó lâu dài tại khu công nghiệp. Do đó, nhu cầu nhà ở của họ thấp nhưng nhu cầu thuê lại có nhiều đòi hỏi.
Đó là chưa kể khi tham gia phát triển nhà ở công nhân, các doanh nghiệp cũng vấp phải sự cạnh tranh không nhỏ. Hiện có 3 mô hình đang tồn tại là nhà nước thực hiện, khu công nghiệp đầu tư hoặc các nhà đầu tư tự đầu tư nhà ở cho công nhân.
Nếu các chính sách không công bằng, thế yếu sẽ bị rơi vào những doanh nghiệp đầu tư nhà công nhân – ông Đạt phân tích. Hơn nữa, nếu không có sự kết nối công bằng, chia sẻ để người công nhân thấy được lợi ích từ quỹ nhà ở công nhân thì sẽ rất khó để họ quyết định gắn bó với loại hình nhà ở này cũng như doanh nghiệp.