Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018 – 2020, tổng diện tích đất Hà Nội dự kiến đưa ra đấu giá quyền sử dụng lên tới 677,36 ha, thu về cho ngân sách khoảng 53.538,49 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018, dự kiến đấu giá tại 679 dự án (gồm có 666 dự án mới và 13 dự án chuyển tiếp) với tổng diện tích đất 193,41 ha; dự kiến thu khoảng 13.710,62 tỷ đồng. Trong đó, có 111 dự án thuộc thành phố quản lý; 568 dự án nhỏ lẻ xen kẹt (dưới 5.000 m2) do cấp huyện quản lý.
Năm 2019, Hà Nội dự kiến đưa ra đấu giá khoảng 197 ha đất tại 635 dự án (gồm có 618 dự án mới và 17 dự án chuyển tiếp). Dự kiến kế hoạch thu theo kết quả trúng đấu giá là 15.972,29 tỷ đồng (bao gồm 152 dự án thuộc thành phố quản lý và 483 dự án đất nhỏ lẻ xen kẹt). Kế hoạch đấu giá năm 2020 gồm 453 dự án (395 dự án mới và 58 dự án chuyển tiếp) với tổng diện tích đất 286,93 ha; dự kiến thu 23.855,58 tỷ đồng; trong đó, đấu giá các dự án thuộc thành phố quản lý là 166 dự án; đấu giá đất nhỏ lẻ xen kẹt là 287 dự án.
Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án đấu giá giai đoạn 2018 – 2020 dự kiến 17.518,39 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về việc đề xuất chủ trương đầu tư và hiệu quả đấu giá các dự án đấu giá quyền sử dụng đất; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, không đấu giá được hoặc đấu giá chậm dẫn đến để đất hoang hóa, lãng phí. Sau khi thu đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, các địa phương phải thực hiện hoàn trả ngay phần vốn đã ứng (để thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án) từ ngân sách thành phố (năm 2013 về trước) và từ Quỹ Đầu tư phát triển (năm 2014 đến nay), phần còn lại nộp ngân sách các cấp theo tỷ lệ quy định.
Thành phố yêu cầu các cấp chính quyền đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án, đảm bảo điều kiện sớm đưa ra đấu giá; tiếp tục rà soát quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt phù hợp quy hoạch để tổ chức đấu giá; khẩn trương xử lý các tồn tại về đất đai theo đúng quy định của pháp luật nhằm bổ sung nguồn thu cho ngân sách, tăng cường công tác quản lý đất đai.
Đối với các dự án đấu giá có diện tích quy mô lớn, UBND các quận, huyện, thị xã có thể đấu giá từng phần khi chưa hoàn thành toàn bộ việc giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án; xem xét phương án đấu giá từng phần và quay vòng vốn thực hiện các hạng mục còn lại, nhưng phải lập quy hoạch tổng mặt bằng, bảo đảm kết nối hạ tầng kỹ thuật – xã hội cho tổng thể khu vực trước khi tổ chức đấu giá...