Thị trường phòng khách sạn tại Hà Nội đã có một năm 2017 thành công do được hưởng lợi từ sự tăng trưởng du lịch với số lượng khách quốc tế đạt kỷ lục.
Theo báo cáo thị trường của Savills, năm 2017, thị trường khách sạn tại Hà Nội đã ghi nhận nguồn cung mới từ 1 dự án khách sạn 5 sao, 2 dự án khách sạn 4 sao và 2 dự án khách sạn 3 sao. Tổng nguồn cung phòng khách sạn đạt xấp xỉ 10.000 phòng từ 68 khách sạn, tăng 9% theo năm.
"Nguồn cung khách sạn 3 đến 5 sao tại Hà Nội đứng thứ tư cả nước sau TP Hồ Chí Minh, Nha Trang và Đà Nẵng", báo cáo nhận định.
Tuy nhiên, nguồn cung chủ yếu vẫn thuộc những quận nội thành cũ. Còn khu phía Tây Hà Nội (các quận Cầu Giấy, Từ Liêm) - tuy là khu vực phát triển mới của Hà Nội, nhu cầu của khách đến làm việc, công tác ngày một nhiều nhưng nguồn cung lại hạn chế.
Savills cho biết, khu vực phía Tây hiện có 4 khách sạn 5 sao, 4 khách sạn 3 sao, chỉ có 1 dự án khách sạn 4 sao. Nguồn cung khách sạn 4 sao tại khu vực phía Tây chiếm tỷ trọng thấp nhất (tương đương 6% tổng nguồn cung). Trong khi đó, khu vực nội thành có nguồn cung khách sạn 4 sao lớn với 10 khách sạn (tương đương 64% tổng nguồn cung).
Công suất và giá phòng trung bình của các phân khúc 3 sao, 4 sao và 5 sao.
|
Trong năm 2017, công suất trung bình toàn thị trường đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua (73%). Trong đó, phân khúc 5 sao duy trì tình hình hoạt động tốt nhất với công suất trung bình đạt khoảng 80%. Giá thuê phòng trung bình toàn thị trường tăng 3% theo quý và 17% theo năm. Doanh thu phòng trung bình tăng 12% theo quý và 24% theo năm.
Theo các chuyên gia, phân khúc 5 sao hoạt động tốt bởi trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng nguồn cung của phân khúc này thấp. Đối tượng sử dụng khách sạn phân khúc cao cấp phần lớn là khách quốc tế và lượng khách này đang gia tăng với tốc độ nhanh trong thời gian qua.
Trong khi đó, áp lực cạnh tranh từ phân khúc 4 sao không cao do hầu hết các khách sạn 4 sao tại Hà Nội được xây dựng từ lâu và quản lý bởi nhà điều hành nội địa hoặc tự quản lý. So với các thành phố lớn khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, giá phòng khách sạn hạng sang tại Hà Nội ở mức khá khiêm tốn.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng kể từ sau năm 2018 với 42 dự án tương lai, hầu hết các dự án đang ở giai đoạn lập kế hoạch. Các thương hiệu quản lý quốc tế sẽ gia nhập và tăng cường sự hiện diện tại thị trường bao gồm Four Seasons, Hyatt, Accor, Marriott và Hilton.
Năm 2017, tổng lượng khách đến Hà Nội đạt xấp xỉ 24 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2016. Trong đó khoảng 4,95 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23% theo năm và chiếm 40% lượng khách đến Việt Nam. Thời gian lưu trú trung bình của khách đến Hà Nội là 1,4 ngày. 80% du khách đến Hà Nội với mục đích du lịch nghỉ dưỡng.