Chung cư lúc nào cũng phải có người quản

Tại cuộc tọa đàm “Quản lý nhà chung cư cao tầng - thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 2/11 tại Hà Nội, ý kiến của các nhà chuyên môn cho thấy, nhiều quy định liên quan đến quản lý chung cư còn chưa phù hợp với thực tế nên đã phát sinh khiếu kiện.

Tuy nhiên, điều quan trọng là người chủ của chung cư cần có sự thay đổi về ý thức, hiểu rõ trách nhiệm của chính mình và chính quyền địa phương không thể đứng ngoài cuộc.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, không đồng tình với quan điểm giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chung cư như hiện nay mà các quận, huyện phải chịu trách nhiệm về quản lý chung cư. Thành phố cần có chỉ thị về vấn đề này và cần có các mẫu hợp đồng, sổ tay chung cư để người dân dễ hiểu.


Những "chuồng cọp" do người dân tự cơi nới thường thấy ở các khu chung cư cũ. Ảnh Tuấn Anh - TTXVN


Ban quản lý chung cư, đại diện cho dân phải tham gia những khóa học về quản lý chung cư, bởi thực tế cơ quan quản lý chưa nắm được nguyên lý: chủ tài sản phải có quyền và trách nhiệm quản lý tài sản của mình; chung cư là tài sản đặc thù gồm quyền tài sản riêng và tài sản chung.


Theo TS Liêm, Luật cần có quy định chi tiết để chung cư lúc nào cũng có người quản, kể cả giai đoạn chưa có hội nghị chung cư. Đặc biệt phải nêu rõ các phần sở hữu chung, riêng, phần sở hữu của chủ đầu tư.


Người mua phải xem kỹ để khi đã ký hợp đồng là phải cam kết thực hiện điều lệ tạm thời. Một trong hai điều kiện là khi 1/2 chung cư được bán hoặc được sử dụng thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm cùng chính quyền tổ chức hội nghị chung cư. Qua đó lập ra ban quản lý chung cư với trách nhiệm được quy định rõ ràng, đề phòng việc lạm dụng quyền hạn hoặc không thực hiện đúng trách nhiệm. Chọn đơn vị quản lý phải thông qua đấu thầu.


Việc bàn giao từ đơn vị quản lý tiền kỳ sang đơn vị quản lý chính thức cũng được pháp luật quy định. Điều lệ quản lý và dự thảo phí quản lý phải đưa ra hội nghị chung cư. Phí phụ thuộc vào phương án quản lý, sử dụng dịch vụ, tần suất... mà cư dân chọn theo đa số.


Đánh giá về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Anh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, các quy định của Hà Nội đang đi đúng hướng, không khác biệt với những nguyên lý căn bản nhưng thực tế lại chưa đi vào cuộc sống. Phải chăng là do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, thiếu thống nhất và hiểu biết pháp luật?


Nhiều chủ đầu tư nước ngoài đã áp dụng các điều khoản rất chặt chẽ nhưng vẫn bất ổn vì ứng xử của người dân trong quá trình sử dụng. Khi bàn giao nhà xong, người dân sửa chữa tùm lum, quản lý không xuể, xử lý không dễ dàng. Do đó cần phải thay đổi cách ứng xử trong chung cư và cần có thời kỳ quá độ chuyển giao để hoàn chỉnh cơ sở pháp lý một cách đồng bộ.


Các quận, huyện chưa dám phê duyệt chính thức cho các ban quản trị vì còn thiếu những căn cứ cần thiết. Lúc thị trường trầm lắng là cơ hội để "trầm lại", đưa ra giải pháp, cơ sở pháp lý...


Bày tỏ sự băn khoăn về tính pháp lý của ban quản trị, ông Cao Tiến Đạt, Giám đốc Công ty Xây dựng số 5 (chủ đầu tư tòa nhà 101 Láng Hạ) cho rằng, ban quản trị cần phải có đủ phẩm chất, xây dựng được kế hoạch quản lý, sửa chữa cả “vòng đời” của tòa nhà. Tư cách pháp nhân của ban quản trị phải làm cho rõ. Hiện nay, khi xảy ra những vấn đề phức tạp chủ đầu tư vẫn phải “gánh” trong khi ban quản trị chỉ lo phân định sở hữu chung riêng, lo mặc cả phí sao cho rẻ.


Cũng từ thực tế triển khai quản lý thí điểm nhà chung cư tại khu Trung Hòa - Nhân Chính, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Đức Sơn kiến nghị phải tính đến bài toán quy hoạch, thiết kế nhà chung cư vì bức xúc nhiều nhất của người dân là thiếu hạ tầng xã hội. Về mối quan hệ với chính quyền địa phương, ông Sơn cho biết, trên thực tế, phường, quận không phối hợp với cơ quản lý nhà trong công tác quản lý chung cư như ngăn chặn việc cơi nới, xây chuồng cọp, ...Chỉ đến khi sai phạm quá lớn, thành phố có ý kiến thì phường, quận mới tham gia.


Từ thực trạng quản lý nhà chung cư tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho rằng, để giải quyết mẫu thuẫn trong các chung cư, quan trọng là phải công khai để dân biết mọi khoản thu, chi; phải thỏa thuận ngay từ đầu về diện tích chung, riêng. Vì còn nhiều chủ đầu tư thiếu minh bạch nên dù chủ đầu tư có phải bù lỗ cho việc quản lý, vận hành, người dân vẫn không tin.


Thừa nhận, một số quy định liên quan đến quản lý chung cư còn bất cập, ông Hà cho biết, trong năm 2013, quy định liên quan đến nhà chung cư sẽ được xem xét, sửa đổi khi Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh một số quy định của Luật Nhà ở. Dự kiến, quỹ bảo trì sẽ không giao cho ban quản trị quản lý mà chính quyền địa phương sẽ phụ trách vì giá trị của quỹ này rất lớn.



Minh Nghĩa

Chung cư giảm giá sốc làm đau lòng khách cũ
Chung cư giảm giá sốc làm đau lòng khách cũ

Nhiều khách hàng vừa mua căn hộ chưa đầy một tuần lễ mà chịu lỗ hơn 100 triệu đồng. Họ hi vọng chủ đầu tư sẽ "chơi đẹp" và chấp nhận giảm giá cho cả người cũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN