Căn hộ dịch vụ không đủ đáp ứng nhu cầu khách ngoại

Lượng người nước ngoài, đặc biệt là châu Á, sang Việt Nam làm ăn, kinh doanh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thị trường căn hộ dịch vụ đáp ứng nhu cầu thuê của nhóm khách này dường như còn đang bỏ ngỏ.

Cầu tăng mạnh, cung quá ít

Là một người Nhật Bản đang điều hành một công ty về thiết kế nội thất tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Hiroya Tomio cho biết môi trường làm việc ở Hà Nội khá tốt, ông kí được rất nhiều hợp đồng thiết kế, thi công văn phòng. Ông Tomio cho biết sẽ làm việc lâu dài ở Việt Nam.

Fraser Suites, một trong những dự án căn hộ dịch vụ đầu tiên tại Hà Nội. Hiện phân khúc này đang rất thiếu.

Tuy nhiên, điều ông băn khoăn nhất lại chính là việc "an cư". Đến nay dù đã làm việc tại Hà Nội được 3 năm nhưng ông vẫn chưa chọn được chỗ ở ưng ý. Hiện ông thuê tạm một căn hộ chung cư trên phố Trung Kính, quận Cầu Giấy để tiện đi làm mặc dù ông vẫn muốn thuê căn hộ dịch vụ hơn.

"Qua tìm hiểu tôi được biết số căn hộ dịch vụ cho khách nước ngoài ở Hà Nội thuê không nhiều, chủ yếu tập trung quanh hồ Tây, khá xa công ty tôi. Tôi thích thuê căn hộ kiểu đó vì yên tĩnh và cảm giác như ở nhà riêng của mình", doanh nhân Nhật cho hay.

Căn hộ dịch vụ làphân khúc bất động sản hướng đến đối tượng khách thuê đa phần là người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, khách du lịch – công tác dài ngày và một số lượng nhỏ là khách du lịch ngắn ngày. Khác với khách sạn, căn hộ dịch vụ cung cấp không gian rộng rãi và những tiện ích phục vụ việc sinh hoạt lâu dài của khách thuê như bếp, máy giặt, không gian làm việc, phòng ngủ cho khách. Khác với căn hộ để bán hay biệt thự cho thuê, sản phẩm căn hộ dịch vụ được quản lý, điều hành chuyên nghiệp với dịch vụ dọn phòng, ăn uống 24/24.

Đây là điểm hấp dẫn của căn hộ dịch vụ, rất thu hút khách hàng là người nước ngoài làm việc ở các công ty FDI, đại sứ quán, khu công nghiệp, ngân hàng quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Trong năm 2017, tổng lượng vốn FDI đăng ký đã tăng trưởng ấn tượng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn FDI thực hiện cũng đạt trên 12%/năm trong 3 năm gần đây. Tăng trưởng FDI ấn tượng, số lượng lao động nước ngoài tại Việt Nam tăng trung bình 8%/năm từ năm 2008. Trong đó nhóm khách hàng châu Á bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) rất đông. Đây chính là những nhóm khách hàng lớn của phân khúc căn hộ dịch vụ.

Hoạt động thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội

Nhìn lại quá khứ, năm 1993, The Ascott Limited - thương hiệu điều hành căn hộ dịch vụ quốc tế đầu tiên gia nhập vào thị trường Việt Nam với dự án Somerset West Lake tại hồ Tây, theo sau đó là các thương hiệu khác như Fraser Suites, Pan Pacific và một số thương hiệu Nhật Bản.

Đến nay đã 25 năm, quy mô của các thương hiệu điều hành này vẫn rất hạn chế so với mạng lưới toàn cầu của họ. Ví dụ, số lượng căn hộ dịch vụ của The Ascott Limited điều hành tại Hà Nội là 670 căn, tương đương với 1,5% danh mục 44.000 căn trên toàn thế giới. Frasers Hospitality ước tính đạt 30.000 căn vào năm 2019 trên toàn thế giới, trong đó Hà Nội mới ghi nhận một dự án với quy mô 184 căn. Thương hiệu Pan Pacific cũng mới quản lý một dự án tại Hà Nội với quy mô 56 căn, trong khi trên phạm vi toàn cầu, con số này là 12.000 căn tại 40 dự án.

Trong bối cảnh nguồn cầu tiếp tục tăng, tỷ lệ này cho thấy còn nhiều dư địa cho phân khúc căn hộ dịch vụ phát triển tại Hà Nội.

Thị trường chờ những dự án mới

Theo các chuyên gia nghiên cứu của Công ty tư vấn Savills Việt Nam, công suất cho thuê của phân khúc căn hộ dịch vụ đang rất tốt, trung bình đạt 88% tại Hà Nội và trên 80% tại TP Hồ Chí Minh tính đến Q2/2018. Đây là lực hút, khuyến khích sự tham gia của các thương hiệu điều hành căn hộ dịch vụ trong nước và quốc tế mới và sự mở rộng của các thương hiệu hiện có.

Hoạt động thị trường căn hộ dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng – Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, từ phía các chủ đầu tư, cần tích cực đàm phám hơn nữa với các nhà điều hành để sớm định vị sản phẩm của mình, xác định khách hàng mục tiêu để đưa ra thiết kế và tiện ích phù hợp.

Bên cạnh đó, cần có sự linh hoạt trong chính sách cho thuê để sản phẩm này tận dụng được nguồn cầu về nơi ở của khách du lịch ngắn ngày, đặc biệt là khách du lịch quốc tế hiện đang có sự tăng trưởng rất tốt tại Việt Nam (trong vòng 6 tháng đầu năm 2018 đã đạt 7,9 triệu lượt, tăng 27% theo năm).

"Điều này giúp tối đa hóa công suất thuê căn hộ dịch vụ và doanh thu của dự án", bà Hằng cho hay.

Một xu hướng khác là sự ra đời của các sản phẩm lai tạo giữa căn hộ dịch vụ và khách sạn hay condotel tại thị trường du lịch. Những hướng đi này mở ra nhiều cơ hội cải thiện tình hình hoạt động và phát triển hơn nữa cho sản phẩm căn hộ dịch vụ tại Việt Nam. Vấn đề đặt ra là liệu các chủ đầu tư và các đơn vị điều hành có đủ nhanh nhạy để tận dụng cơ hội, nắm bắt và đón đầu xu hướng hay không.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Khách nước ngoài đến Việt Nam tiêu chưa đến 1.000 USD/người
Khách nước ngoài đến Việt Nam tiêu chưa đến 1.000 USD/người

Lượng khách du lịch tại Việt Nam tăng nhưng mức chi tiêu lại khá thấp, đặc biệt là chi tiêu cho hàng Việt. Theo các chuyên gia kinh tế, luật và du lịch, nguyên nhân phần lớn do doanh nghiệp không mặn mà tham gia chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng khi du khách nước ngoài mua hàng hóa tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN