Cải tạo chung cư cũ Hà Nội vẫn “ì ạch”

Sau 10 năm kể từ khi HĐND TP Hà Nội ban hành nghị quyết về cải tạo chung cư cũ nhưng đến nay thành phố mới cải tạo được 14 chung cư cũ (chưa đạt 1%). Trong khi chất lượng chung cư cũ ngày càng xuống cấp đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Cần sự minh bạch

Nhắc tới chung cư cũ của Hà Nội, nhiều người liên tưởng ngay tới việc cơi nới các “lồng sắt”, “chuồng cọp” do sự gia tăng dân số. Theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, 100% các chung cư cũ Hà Nội đều cơi nới và đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết cấu của tòa nhà.

Trong danh sách chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D (cấp độ nguy hiểm nhất) của Sở Xây dựng Hà Nội luôn nhắc tới khu C8 (Giảng Võ, Ba Đình). Tuy nhiên, người dân nơi đây lại cho rằng chung cư vẫn an toàn. Ba thế hệ gia đình bà Trần Thị Minh Sâm, gồm cả chục người, đang chung sống trong căn phòng 515 - C8 Giảng Võ, với diện tích vỏn vẹn 40 m2. Để đáp ứng nhu cầu ở, gia đình bà Sâm đã cơi nơi cả phía trước lẫn sau. “Do đó, việc cải tạo chung cư cũ đương nhiên chúng tôi ủng hộ nhưng cần sự minh bạch về tái định cư tại chỗ, thời gian thi công. Chứ như khu B6 Giảng Võ, người dân đi tái định cư hơn 10 năm nay vẫn chưa được về”.

Các chung cư cũ đều cơi nới.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Duyên, tập thể C4 Quỳnh Mai cho biết: “Qua năm tháng, người sinh sôi thêm nên phải cơi nới chung cư đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Cách đây 5 - 6 năm cũng thấy có đơn vị vào kiểm kê dự án nhưng từ đó đến nay không thấy động tĩnh. Họp tổ dân phố thì được phổ biến chưa có chủ đầu tư nào triển khai vì không thống nhất được quy mô xây dựng”.

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội), toàn thành phố có 1.516 chung cư cũ. Năm 2014, Sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát 940 chung cư cũ tại các quận nội thành làm cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm định. Qua khảo sát, 42 chung cư cũ được đưa vào kiểm định trong năm 2015. Trong năm 2016, dự kiến 135 công trình chung cư cũ sẽ được kiểm định. Đây là những chung cư cũ bị lún, lún lệch ở mức độ lớn (hơn 1%), hoặc đã được xây dựng từ lâu, đang xuống cấp cần được kiểm định ngay để xác định những nhà nguy hiểm phải di dời, chống đỡ.

“Do những yếu tố khách quan, hầu hết móng chung cư cũ đều được xây dựng với giải pháp nông. Vì vậy, không ít chung cư bị lún, lún lệch ở mức độ lớn như nhà E6 - E7 Quỳnh Mai, nhà A - B Ngọc Khánh, B7 - C1 - E6 - E9 - G6A - G6B - G22 Thành Công, A7 Giáp Lục - Tân Mai, A1 - A2 Giảng Võ; Tập thể Bộ Tư Pháp… Việc cơi nới, cải tạo, sửa chữa tùy tiện đã ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu”, ông Vũ Ngọc Đạm cho biết.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đối với nhà C8 Giảng Võ (Ba Đình), lãnh đạo Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm định và chuẩn bị quỹ nhà tái định cư di dời người dân để đảm bảo an toàn, nhưng người dân không đồng tình với lý do “không tin vào kết quả kiểm định”. Sau đó, thành phố phải mời Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm định lại. Dù kết quả giống như Viện Khoa học công nghệ của Hà Nội đã kiểm định, nhưng các hộ dân vẫn không di dời. Từ thực tế trên, trong 42 chung cư đã được kiểm định năm 2015, có 2 chung cư được xếp loại D (phải di dời người dân để đảm bảo an toàn). Sở đã thận trọng mời các đơn vị chuyên ngành thẩm định lại và chuẩn bị quỹ nhà tái định cư cho cư dân 2 chung cư này để khi thành phố thông qua kết quả kiểm định có thể di dời người dân đến nơi ở mới.

Tự chủ tài chính

Theo Sở Xây dựng, một trong những nguyên nhân dẫn đến chung cư cũ “ì ạch” là do những khu chung cư cũ bị xuống cấp nghiêm trọng tại Hà Nội chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm. Trong khi khu vực trung tâm nội đô bị hạn chế chiều cao, hạn chế hệ số sử dụng đất nhằm tránh tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong khi đó, theo tính toán của các chủ đầu tư, với dự án chung cư 5 tầng phải được cải tạo, xây dựng lại với quy mô từ 15 đến 20 tầng mới có khả năng cân đối để đảm bảo hiệu quả kinh doanh dự án.

Ông Lưu Quang Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội: Thành phố quan tâm cải tạo chung cư cũ để Thủ đô khang trang hơn. Sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực, thành phố sẽ quy hoạch lại các khu chung cư cũ và thúc đẩy nhanh quá trình cải tạo.

Ông Nguyễn Trí Dũng cho biết: Việc cải tạo xây dựng chung cư cũ dựa trên nguyên tắc tự cân đối tài chính hay còn gọi xã hội hóa. Việc cải tạo chung cư cũ sẽ thuận lợi hơn khi Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2015 và mới đây là Nghị định số 101 NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 có quy định khá chi tiết về cơ chế cải tạo xây dựng lại nhà chung cư. Căn cứ hành lang pháp lý này, Hà Nội chỉ đạo các ngành chức năng tập trung đẩy nhanh tiến độ kiểm định các khu chung cư cũ hoàn thành trong năm 2016 để đưa vào kế hoạch cải tại xây dựng lại. Do liên quan trực tiếp đến cuộc sống của một bộ phận lớn dân cư. Trước mắt, thành phố ưu tiên thực hiện các nhà chung cư cũ nguy hiểm.

Theo đó, Hà Nội sẽ tiến hành quy hoạch lại việc cải tạo cả quần thể khu vực chung cư cũ trên nguyên tắc không tăng mật độ dân số. “Trước đây, việc cải tạo chung cư cũ làm từng tòa nhà một và rất khó dung hòa lợi ích. Bên cạnh đó, Nghị định số 101 cũng quy định thời gian đàm phán giữa cư dân và chủ đầu tư, theo đó với nhà xếp loại nguy hiểm là 3 tháng, nhà bình thường là 1 năm. Sau thời hạn trên, nếu hai bên không thống nhất, chính quyền địa phương sẽ can thiệp, trong đó có cả biện pháp cưỡng chế. Với những hộ dân không có điều kiện tái định cư tại chỗ, họ có thể mua nhà ở xã hội. Đối với các dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ tại 4 quận nội thành cũ, nếu không có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nếu chuyển ra ngoài khu vực 4 quận nội thành thì được hệ số 1,5 lần so với tái định cư tại chỗ”, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Từ căn cứ pháp lý của Nghị định 101, Sở Xây dựng sẽ trình thành phố ban hành quy định về các cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thủ đô để đẩy nhanh tiến độ cải tạo xây dựng chung cư cũ.
Xuân Minh
Cần chính sách hợp lý cải tạo chung cư cũ
Cần chính sách hợp lý cải tạo chung cư cũ

Cải tạo chung cư cũ là vấn đề “khó trăm bề” khiến cả chính quyền cũng như các cơ quan chức năng hết sức “đau đầu”. Tiến độ di dời, cải tạo chậm không chỉ có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách mà còn phụ thuộc vào ý thức cũng như những đòi hỏi của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN