Thành phố hiện có hơn 200 chung cư cũ trong tình trạng cần di dời, tuy nhiên, trong 5 năm qua, chỉ mới hoàn thành di dời được 5 chung cư.
Giải tỏa… lo lắng
Tiếp xúc với những hộ dân sống tại chung cư Cô Giang khi thành phố vừa có chủ trương di dời, đa số các hộ dân đều phấn khởi. Bà con ở đây cho biết: mong muốn Nhà nước có chính sách bố trí chỗ ở mới hợp lý để cuộc sống sinh hoạt, làm ăn của bà con không bị xáo trộn, sớm ổn định cuộc sống, chứ sống trong lo âu như hiện nay do chung cư đã quá cũ, bà con rất không yên tâm vì không biết chung cư sẽ sập lúc nào… Ông Minh, một người dân sống tại chung cư này cho biết, chung cư Cô Giang được xây dựng năm 1968, gồm 4 lô với tổng số khoảng 750 hộ dân sinh sống.
Vẫn còn gần 200/900 hộ dân chưa chịu di dời khỏi chung cư Cô Giang, quận 1, do không đồng ý với chính sách bồi thường. |
Hiện nay, chung cư này đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, có thể dẫn đến nguy cơ đổ sụp, nguy hiểm đến tính mạng người dân. Từ năm 2011, thành phố đã có chủ trương di dời do tình trạng xuống cấp, nhưng quá trình thương lượng, chính sách bố trí tái định cư… gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân không đồng tình, nên đến nay mới thực hiện di dời. Bà con ở đây đều đồng thuận với chính sách chung và cũng muốn được di dời sớm để không phải sống trong lo lắng, sợ hãi…
Theo chủ trương của thành phố, UBND quận 1 đã điều chuyển 40 căn hộ chung cư để bố trí tạm cư, di dời khẩn cấp các hộ đang sinh sống tại chung cư Cô Giang. Các hộ dân trong diện di dời được tạm cư chủ yếu gần khu vực chung cư Cô Giang như khu vực đường Nguyễn Trãi, Bến Vân Đồn, Tôn Thất Thuyết… để hạn chế việc xáo trộn cuộc sống, đúng như nguyện vọng của người dân. Thành phố cũng giao Công ty cổ phần phát triển Đất Việt khẩn trương đẩy nhanh quá trình thi công xây dựng chung cư tái định cư tại chỗ để sớm bố trí tái định cư cho bà con và thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh trong suốt quá trình các hộ gia đình, cá nhân tạm cư theo quy định.
Một trong những nỗ lực khác của thành phố là việc quyết tâm di dời chung cư Thanh Đa. Đây là khu cư xá được xây dựng từ năm 1972, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường chung cư bị nứt, lún, nghiêng lệch, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đến tính mạng người dân. Tuy nhiên do thiếu sự đồng thuận trong chính sách di dời, nhiều hộ dân đã “cố thủ” không chịu đi nơi khác. Mặc dù chủ trương di dời đã có từ năm 2005 nhưng do khó khăn về quỹ nhà tái định cư theo yêu cầu của người dân là phải được tái định cư tại chỗ, nên đến nay thành phố mới cơ bản hoàn thành việc di dời chung cư này khi xây dựng xong chung cư 1.050 căn để tiến hành di dời người dân đến nơi ở mới. Một số hộ dân không muốn nhận nhà tái định cư cũng đã được chính quyền thương lượng đền bù, nhận tiền và tự tìm nơi ở mới theo nguyện vọng. Chủ trương này của thành phố cũng đã tạo được sự đồng thuận cao với người dân.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Mặc dù đã rất nỗ lực trong việc di dời các chung cư cũ, tuy nhiên, với số lượng hơn 200 chung cư cũ trên địa bàn thành phố đang xuống cấp nghiêm trọng, việc thực hiện di dời gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, thành phố đang có chủ trương di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.200 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư cũ với quy mô 10.000 m2 sàn. Cùng với đó là việc xây mới các chung cư để thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương với trên 900.000 m2 sàn. Tuy nhiên, Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, trong 5 năm qua, thành phố mới hoàn thành di dời, tháo dỡ được10 chung cư cũ với quy mô 40.000 m2 sàn.
Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ di dời các chung cư cũ diễn ra rất chậm là do các doanh nghiệp không muốn tham gia vào các dự án này. Nỗi “ám ảnh” lớn nhất cho doanh nghiệp chính là việc thương lượng giá cả đền bù cũng như những chính sách phù hợp cho người dân di dời. Thực tế tại các chung cư cho thấy, từ khi có chủ trương di dời cho đến khi người dân rời nơi ở cũ, thường cũng mất vài năm, thậm chí cả chục năm. Chính sách trong việc di dời, giải tỏa các chung cư cũ vẫn tồn tại nhiều bất cập cần được giải quyết.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, các quy định pháp luật về việc cải tạo chung cư cũ hiện chưa quy định chặt chẽ hoặc chưa có những chế tài hiệu quả, đảm bảo việc di dời những chung cư cũ, cũng như chưa quy định đầy đủ các nguyên tắc đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp chung cư phải thực hiện phá dỡ, xây dựng lại mới.
Một trong những nội dung kiến nghị mới đây của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, Nghị định xây dựng, cải tạo chung cư cũ (đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến) cần bổ sung nguyên tắc, trong trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm phải phá dỡ, xây dựng lại mới thì các hộ gia đình, cá nhân đang cư ngụ tại chung cư phải có nghĩa vụ chấp hành thực hiện di dời, hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải quyết định cưỡng chế di dời để phá dỡ chung cư. Mặt khác, tập thể chủ sở hữu các căn hộ chung cư cũng phải được tự quyết định phá dỡ, xây dựng lại mới chung cư của mình nếu có đủ điều kiện về nguồn lực tài chính. Có như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến độ, giải quyết những vướng mắt trong việc di dời các hộ dân, tạo mặt bằng sạch cho doanh nghiệp đầu tư mới được giải quyết.