Vì nhiều lý do, việc cải tạo chung cư cũ của Hà Nội sau gần 10 năm qua vẫn “dậm chân tại chỗ”. Không thể để bộ mặt đô thị “chỗ nhặt, chỗ khoan”, cũng không thể để người dân tiếp tục chịu khổ, mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đề xuất một phương án mới, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, sẽ không hề đơn giản trong việc cân đối giữa lợi ích của chủ đầu tư và quy hoạch chung của đô thị.Nhiều nguyên doLâu nay, việc cải tạo các khu chung cư cũ được giao cho các doanh nghiệp theo phương án xã hội hóa. Theo đó, chủ đầu tư sẽ tự đàm phán với người dân để bảo đảm tái định cư tại chỗ, còn doanh nghiệp tự cân đối tài chính cho dự án. Cách làm này xem ra không ổn, bởi theo Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT), thời gian qua, Hà Nội đã giao 25 khu chung cư cũ cho các doanh nghiệp lập dự án quy hoạch, nhưng đến nay chỉ có một số đơn vị đã triển khai và hoàn thành, đưa vào sử dụng như khu B4-B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I1,2,3 Thái Hà; một số dự án như dãy nhà C7 và B6 Giảng Võ, C1 Thành Công thì vẫn đang thi công và chưa “hẹn” thời gian hoàn thành…
Lý do có nhiều, nhưng một trong những lý do lớn nhất là việc không tìm được tiếng nói chung giữa người dân và chủ đầu tư. Đơn cử như dự án cải tạo dãy nhà A6 Giảng Võ. Theo kế hoạch, dự án này sẽ cải tạo từ chung cư cũ 5 tầng thành 9 tầng và người dân sẽ được tái định cư theo đúng vị trí ở cũ. “Cam kết thì như vậy, nhưng rồi các hộ tái định cư ở tầng 1 đều phải quay vào mặt trong và toàn bộ ki ốt mặt đường được chủ đầu tư cho thuê kinh doanh, khiến người dân vô cùng bức xúc”, một đại diện căn hộ tại dãy nhà A6 cho biết.
Dãy nhà B6 Giảng Võ, vẫn là bãi đất hoang 5 năm nay. |
Rõ ràng, với tư cách là nhà đầu tư, các chủ đầu tư chỉ chịu tham gia dự án khi có lợi cho mình, vì vậy, dù có cam kết sẽ bảo đảm quyền lợi cho những người dân cũ của chung cư, nhưng hầu hết cuối cùng, người dân vẫn chịu thiệt thòi. Chính vì lý do đó, nên hiện nay, với những dự án sẽ triển khai, việc tìm tiếng nói chung giữa chủ đầu tư và người dân càng trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, do khó khăn chung của kinh tế, nên các nhà đầu tư trong thời gian qua cũng gặp khó khăn về kinh phí, dẫn tới nhiều dự án bị ngưng trệ như dự án nhà C7 Giảng Võ dù đã xây xong phần thô cả năm nay, nhưng vẫn không thấy động tĩnh triển khai tiếp, còn dự án nhà B6 thì vẫn tiếp tục là bãi đất hoang gần 6 năm nay; khiến người dân những chung cư này điêu đứng và luôn sống trong lo lắng không biết liệu khi nào mình sẽ có nhà để ở. “Do không có ai kiểm tra, xử lý, nên cuối cùng chủ đầu tư cứ “thản nhiên” ngừng dự án; rồi nhiều nhà đầu tư, do không được thẩm định trước, nên không đủ năng lực tài chính, không thể tiếp tục triển khai dự án, gây thiệt hại cho người dân, cần có người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi”, một người dân chung cư chia sẻ.
Cân đối lợi ích, không đơn giản
Ông Bùi Xuân Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, hiện việc cải tạo chung cư cũ đang “vướng” ở lợi ích giữa ba bên là Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Người dân không muốn dời đi, do lo ngại không có cơ hội quay về nơi cũ sinh sống, hệ số đền bù thấp… Phía doanh nghiệp cũng không mặn mà, do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn bởi bị khống chế về chiều cao. Trong khi đó, Nhà nước thì lại không muốn gia tăng mật độ dân cư, thay đổi quy hoạch kiến trúc, nên không cho phép xây cao tầng.
Mới đây, Hà Nội đã đề xuất Chính phủ cho phép khi cải tạo chung cư cũ, có thể xây cao từ 21 - 27 tầng, bảo đảm tái định cư tại chỗ và doanh nghiệp có lợi nhuận khi tham gia quá trình xã hội hóa. Tuy nhiên, để tránh tăng dân số khu nội đô, diện tích sàn xây dựng tăng thêm chỉ được phép bán cho các đối tượng có hộ khẩu tại 4 quận nội thành cũ.
Đề xuất này phần nào đã giải quyết vấn đề lợi ích cho các chủ đầu tư, tuy nhiên, việc các chủ đầu tư có mặn mà hơn hay không, sẽ còn phải chờ thời gian nữa. Trong khi đó, nhiều người trong nghề lại tỏ ra lo lắng với việc nâng tầng bởi có thể phá vỡ quy hoạch chung của đô thị và khiến Hà Nội phải đối diện với áp lực về dân số, hạ tầng.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội: Nhà đất đang “ế ẩm” nên các chủ đầu tư chưa mặn mà đầu tư triển khai dự án vào thời điểm này. Bên cạnh đó, việc nâng tầng để bảo đảm tái định cư vẫn chưa có cơ chế đặc thù, nên việc cải tạo chung cư cũ của Hà Nội vẫn bế tắc. |
Bài, ảnh: Xuân Cường