Hà Nội kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong cải tạo chung cư cũ

Để kiểm định rõ chất lượng và đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô, chiều 6/11, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội về thực trạng và thực tế triển khai thực hiện quỹ nhà này.


Tại cuộc họp,nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại trong nhiều năm qua liên quan đến cơ chế chính sách (kể cả Trung ương đến địa phương) đã được các đơn vị tổng hợp, kiến nghị và phân tích với quyết tâm “dù khó nhưng vẫn phải tập trung làm bằng được”, để từng bước góp phần chăm lo điều kiện ở tốt nhất cho người dân đô thị, đặc biệt đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân đang sinh sống tại các khu chung cư cũ đã “báo động” nguy hiểm cấp D.


Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1516 chung cư cũ với quy mô từ 2 đến 5 tầng, cơ bản được xây dựng từ năm 1954 đến năm 1990, một số ít xây dựng trước năm 1954. Các chung cư cũ được bố trí rải rác khắp các nơi, tập trung chủ yếu ở các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân... Hầu hết các khu chung cư cũ đã được chuyển đổi từ hình thức sở hữu hà nước sang sở hữu tư nhân theo Nghị định 61/CP, đến nay đã hết niên hạn sử dụng và xuất hiện tình trạng nguy hiểm với hệ thống hạ tầng xuống cấp cần phải được cải tạo, xây dựng lại.


Trong khoảng 10 năm gần đây, thành phố Hà Nội đã bố trí kinh phí thực hiện kiểm định chất lượng hiện trạng đối với 162 công trình chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp để lọc ra những công trình nguy hiểm cấp D, tổ chức di dời và cải tạo, xây dựng lại theo quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ quan nào thực hiện việc tập hợp, thống kê cũng như nắm được đầy đủ tình hình chất lượng phục vụ công tác quản lý và cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, từ tháng 9/2014, Đoàn khảo sát chung cư cũ (doViện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội phối hợp với các quận, huyện thực hiện) đã tiến hành kiểm tra, đánh giá sơ bộ chất lượng hiện trạng của 1.467 công trình chung cư cũ do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý.


Qua khảo sát, tình trạng cơi nới diễn ra phổ biến ở các chung cư cũ đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thoát nạn khi xảy ra sự cố hỏa hoạn và làm tăng tải trọng công trình, trong khi hầu hết các chung cư cũ đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, việc cải tạo, sửa chữa tùy tiện đã dẫn đến sự thấm dột khu vệ sinh, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu. Điển hình như các khu: C1 - C2 Ngọc Khánh, Tân Mai, Mai Động, Kim Giang; E1 - E2 - E3 Ngọc Khánh…Trong khi đó, việc duy tu, bão dưỡng chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh gây nguy hiểm và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người dân.


Đoàn khảo sát đã kiến nghị thành phố trong năm 2015 cần tiến hành kiểm định 42 công trình chung cư cũ loại 3 và 4. Đây là các chung cư bị lún, lún lệch ở mức độ lớn (lớn hơn 1%) hoặc xây dựng, sử dụng từ lâu (khoảng những năm 1960 - 1970) đã hư hỏng, xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2016, kiểm định 62 công trình loại 3 đã có các biểu hiện lún nghiêng, về tổng thể đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2017 kiểm định 75 công trình có những bộ phận hư hỏng, tổng thể đã xuống cấp.


Từ kết quả khảo sát mức độ nguy hiểm của các khu chung cư cũ trên địa bàn, đặc biệt từ thực tế triển khai tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn mong muốn Bộ Xây dựng và Chính phủ quan tâm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Hà Nội trong việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước – người dân và doanh nghiệp. Phó Chủ tịch thành phố cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là không dùng ngân sách để thực hiện, điều này thể hiện rõ tại dự án thí điểm cải tạo chung cư Nguyễn Công Trứ. Bên cạnh đó, bài toán về quy hoạch cũng là một trong những vướng mắc vì trong triển khai, bởi theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, dân số nội thành phải giảm xuống, chiều cao bị kiểm soát nên việc khai thác dự án để tự cân đối tài chính sau khi đảm bảo tái định cư tại chỗ của các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn…


Hiện nay, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo liên ngành xây dựng


Dự thảo quy định một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn và xin ý kiến đóng góp của các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, nhà đầu tư, cộng đồng dân cư. Đồng thời tập trungnrà soát kiểm định, xác định các nhà chung cư cũ nguy hiểm để xây dựng kế hoạch di dời, cải tạo xây dựng lại nhằm đảm bảo an toàn cho người dân; chỉ đạo việc tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu khu vực nội đô làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ. Thành phố cũng đang triển khai các chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành nhằm giảm tải dân số cho khu vực trung tâm.


Theo đó, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xây dựng tiêu chí xác định nhà chung cư cũ xuống cấp cần cải tạo, xây dựng lại, có tiêu chí xuống cấp về hạ tầng đô thị, môi trường sống ngoài tiêu chí về cấp độ an toàn công trình. Đồng thời, Bộ Xây dựng cần thống nhất bổ sung vào Luật Nhà ở sửa đổi điều khoản khi 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý việc cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thì thực hiện cưỡng chế di dời số hộ còn lại nếu cố tình không chấp hành quy định của pháp luật.


Thành phố đề nghị Chính phủ cho phép lập Đề án "Khảo sát, đánh giá khả năng kháng chấn nhà tập thể, chung cư cũ nằm trong vùng có động đất" và lập Đề án "Tổng kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng, đề xuất giải pháp xử lý đối với nhà chung cư cũ, phục vụ chỉnh trang đô thị và cải thiện không gian sống cho người dân".


Hiện thành phố đã thống nhất với Tổng Hội xây dựng Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ để thúc đẩy phương thức xã hội hoá theo định hướng: Cho phép điều chỉnh tăng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, xây dựng cao tầng (xác định đối với từng khu vực, phù hợp theo vị trí, đặc điểm của từng phân khu quy hoạch trong khu vực nội đô lịch sử), đảm bảo cân đối dự án, diện tích sàn dôi dư sau khi tái định cư tại chỗ ưu tiên bán cho các hộ dân tại các 4 nội thành cũ.


Đồng quan điểm với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, tới đây Bộ và Thành phố sẽ khẩn trương xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn sao cho phù hợp, theo hướng sẽ buộc phá dỡ những nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D, không phải xin ý kiến của chủ sở hữu. Đối với những nhà chung cư cũ hết niên hạn cũng sẽ được phá dỡ, xây dựng lại. Tuy nhiên, cần có đơn vị chức năng tiến hành khảo sát, kiểm định làm rõ về hạ tầng, tuổi thọ, kết cấu chịu lực của các chung cư này trước khi kết luận chính xác về niên hạn để cơ quan quản lý ra quyết định phá dỡ. Theo đó, việc phá dỡ chung cư cũ với sự đồng thuận của 2/3 chủ sở hữu sẽ được quy định rõ trong Luật nhà ở sửa đổi.


Minh Nghĩa

Khó như 'tìm áo mới' cho chung cư cũ
Khó như 'tìm áo mới' cho chung cư cũ

Một “đặc sản” của chung cư Hà Nội, đã đi vào truyện, vào thơ, vào tranh, vào kịch, đó chính là “lồng sắt”, hay còn một cách gọi ví von rất hình tượng là “đeo ba lô”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN