Bảo lãnh để bảo vệ quyền lợi người mua nhà


Quy định các doanh nghiệp bất động sản phải được ngân hàng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở trong tương lai được kì vọng sẽ hạn chế rủi ro cho người mua nhà. Tuy nhiên, hiện nay, một số doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa biết thực hiện ra sao.

Cần hướng dẫn cụ thể

Quy định mới về bảo lãnh BĐS sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới giúp người mua nhà có thể yên tâm hơn bởi ngân hàng sẽ hoàn trả số tiền mà khách hàng đã thanh toán và các khoản tiền khác trong trường hợp chủ đầu tư chậm trễ bàn giao sản phẩm. Điều này giúp tránh những kiện cáo về tiến độ bàn giao nhà như đã xảy ra trên thị trường BĐS thời gian qua.

Dự án The Sun Avenue (quận 2, TP Hồ Chí Minh) đã được Công ty BĐS Novaland mua bảo lãnh.


Với kinh nghiệm triển khai các khu chung cư quy mô lớn tại Hà Nội như Nam Đô Complex Trương Định, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT công ty GP Invest cho biết, hiện nay không chỉ công ty của ông mà nhiều công ty khác vẫn chưa biết thực hiện mua bảo lãnh cho các sản phẩm từ 1/7 như thế nào bởi một số ngân hàng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng, ông Hiệp cho rằng, quy định này chứng tỏ Bộ Xây dựng đã quan tâm đến người mua nhà, muốn thị trường phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, nếu áp dụng cứng nhắc đối với tất cả doanh nghiệp thì sẽ khiến mặt bằng giá BĐS trên thị trường tăng lên.

Ông Hiệp đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Chẳng hạn, với những doanh nghiệp lần đầu tiên làm dự án BĐS mà bán nhà hình thành trong tương lai hay các doanh nghiệp từng có vi phạm thì phải áp dụng mua bảo lãnh. Còn với các doanh nghiệp đã có uy tín, các dự án triển khai đúng tiến độ, chất lượng cao thì nên để khách hàng và doanh nghiệp tự thỏa thuận có cần mua bảo lãnh hay không.

Đồng tình với điều này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, không nhất thiết phải bắt buộc dự án nào cũng cần bảo lãnh mà cần phân biệt được dự án của doanh nghiệp tốt với dự án của doanh nghiệp không tốt. Ông Châu cho rằng, nên sửa đổi quy định bảo lãnh theo hướng: Chủ đầu tư phải thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính khi người mua BĐS hình thành trong tương lai có yêu cầu.

Bắt tay với ngân hàng

Mặc dù vẫn còn những ý kiến băn khoăn về quy định bảo lãnh có thể làm tăng giá BĐS nhưng các chuyên gia cho rằng, chi phí tăng thêm từ phí bảo lãnh hoàn toàn có thể chấp nhận được bởi nó mang lại sự yên tâm cho người dân. Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thực tế từ nhiều năm qua, hàng loạt các dự án không triển khai hoặc nằm “đắp chiếu” dù khách hàng đã nộp cho chủ đầu tư gần như toàn bộ giá trị của sản phẩm, dẫn đến những khiếu kiện kéo dài, mà thiệt hại về tiền bạc, thời gian đều thuộc về khách hàng.

Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định: Chủ đầu tư dự án trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết, bên mua, bên thuê mua có quyền yêu cầu ngân hàng hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác theo hợp đồng đã ký kết.

Đơn cử như trường hợp dự án Usilk City (Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội), khách hàng mua nhà tại các căn 104 - 108 đang rất bức xúc vì tiến độ xây dựng “dậm chân tại chỗ” mấy năm nay. Dù nhiều hộ đã đóng đến 100% giá trị căn hộ và mua đến 2 căn tại dự án này nhưng đến nay, thời hạn giao nhà vẫn đang là một câu hỏi không lời đáp. Anh A.H (Đào Tấn, Hà Nội), người mua nhà tại tòa 108 cho biết, anh đã đóng 70.000 USD (tương đương 50% giá trị căn hộ) nhưng vẫn đang đứng trước rất nhiều rủi ro.

Từ thực tế đó, để lấy lại niềm tin của người mua nhà, đã có những DN chủ động bắt tay với các ngân hàng để bảo lãnh các dự án họ đang thực hiện. Cuối tháng 5, Công ty BĐS Novaland tại TP Hồ Chí Minh đã ký kết với các ngân hàng VPBank và SeaBank bảo lãnh cho người mua nhà tại một số dự án mà công ty này đang thực hiện. Ông Bùi Hữu Phúc, Giám đốc Đầu tư và Phát triển của Novaland đánh giá, quy định bảo lãnh BĐS buộc các doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hơn, khả năng tài chính tốt, dự án phải có tính thanh khoản cao vì khi ngân hàng bảo lãnh sẽ thẩm định dự án rất kỹ lưỡng. Mới đây, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) cũng ký kết với Ngân hàng Phương Đông, Á Châu và HDBank bảo lãnh với một số dự án. Công ty Đất Xanh ký kết hợp tác toàn diện với ngân hàng Vietinbank nhằm tài trợ vốn và bảo lãnh toàn bộ các dự án mà công ty này triển khai từ tháng 1/2015. Đại diện Công ty Sacomreal cho rằng, quy định về bảo lãnh sẽ giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh hơn. Việc chủ đầu tư ký kết với các ngân hàng thực hiện bảo lãnh chính là cam kết của họ với khách hàng về chất lượng, tiến độ của dự án đang triển khai.


Hoàng Dương
Xu hướng mua nhà thứ hai tại Đà Nẵng
Xu hướng mua nhà thứ hai tại Đà Nẵng

Xu hướng chọn Đà Nẵng là nơi để sở hữu căn nhà thứ hai đang diễn ra ngày một mạnh mẽ bởi giá bất động sản ở đây rất hấp dẫn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN