Vững vàng biển trời Tây Nam - Bài 2

Thổ Châu (thuộc quần đảo Phú Quốc, Kiên Giang) là một trong những xã đảo lớn với 570 hộ dân, hơn 2.000 nhân khẩu. Đời sống người dân đã khấm khá hơn trước nhờ nghề nuôi, đánh bắt cá và buôn bán dịch vụ. Thế nhưng điều trăn trở lớn nhất của người dân nơi đây vẫn là việc học hành của con trẻ.

VƯỢT KHÓ ĐI TÌM CON CHỮ 

Đa số tại các xã đảo như Thổ Châu, Hòn Chuối, Hòn Đốc... cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Có đảo không có trường lớp, có nơi lại chỉ có đến cấp trung học cơ sở, con số học sinh học hết cấp 3 hay vào đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Gian nan đường tới trường

Vùng biển Tây Nam có nhiều đảo lớn nhỏ thuộc hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Trên các đảo thuộc vùng biển Cà Mau, chỉ có Hòn Chuối là có đông dân cư sinh sống còn vùng biển Kiên Giang có nhiều đảo lớn, thu hút đông dân cư sống lâu đời trên đảo. Ngoài đảo Phú Quốc, các đảo Thổ Chu (huyện Phú Quốc), Củ Tron, Nam Du, Hòn Sơn, Hòn Tre (huyện Kiên Hải), Hòn Đốc (thị xã Hà Tiên)... đều là xã đảo. Đến nay, tại các xã đảo đã có trường mầm non, tiểu học, THCS nhưng chỉ một số đảo là trung tâm huyện lỵ mới có trường THPT.

Lớp học tại xã đảo An Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang).

Thổ Châu (thuộc quần đảo Phú Quốc, Kiên Giang) là một trong những xã đảo lớn với 570 hộ dân, hơn 2.000 nhân khẩu. Đời sống người dân đã khấm khá hơn trước nhờ nghề nuôi, đánh bắt cá và buôn bán dịch vụ. Thế nhưng điều trăn trở lớn nhất của người dân nơi đây vẫn là việc học hành của con trẻ. Hiện nay ở trên đảo mới có đến khối THCS, tức là học hết lớp 9, muốn học tiếp thì phải vào Phú Quốc hoặc đất liền. Thế nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con vào đất liền theo học.

Ông Nguyễn Thanh Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết, điều kiện đi lại của người dân hiện rất khó khăn. Dù nhiều lần cải thiện và rút ngắn, đến nay phải mất 5 ngày mới có một chuyến tàu từ Phú Quốc ra Thổ Châu và ngược lại. “Với lịch trình này về huyện dự một buổi họp có khi cán bộ phải mất 10 ngày vì có khi lịch họp không trùng lịch đi của tàu nên phải ở lại để chờ tàu về. Điều kiện đi lại khó khăn nên việc học hành của trẻ nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn, đến nay tỷ lệ học sinh học lên đến cao đẳng, đại học vẫn ít”, ông Nhiệm chia sẻ.

Cô giáo Dương Thị Thu Thanh cùng học sinh của lớp học Nhô trên xã đảo Thổ Châu.

Tương tự, đảo Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang) là một trong những đảo lớn, có nhiều dân sinh sống và đã có những bước phát triển. Tuy nhiên, con đường đến trường của các em ở đây cũng còn nhiều khó khăn. Hiện nay, trên xã đảo An Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) mới có trường Tiểu học và THCS An Sơn, chưa có trường cấp ba, muốn học lên bậc cao hơn các em phải vào đất liền nhưng điều kiện đi lại cũng rất khó khăn.

Lớp học của niềm hi vọng

Để giúp cho con em và nhân dân trên đảo được tiếp tục học tập, xã đảo Thổ Châu đã mở “lớp nhô”. “Lớp nhô” là lớp giáo dục thường xuyên, mở từ lớp 10 đến lớp 12 vào buổi tối cho những ai muốn đi học, bất kể tuổi tác. Hiện lớp học nhô trên đảo Thổ Châu đã mở được một học kỳ.

Cô giáo Dương Thị Thu Thanh (giáo viên trường Tiểu học - THCS Thổ Châu) là một trong những người đầu tiên gắn bó với lớp học này cho biết, vì không có trường cấp 3 nên hầu hết học sinh ở đây chỉ học hết cấp 2 rồi nghỉ, chỉ một số ít gia đình có điều kiện mới gửi con em vào đất liền hoặc Phú Quốc để học tiếp. Lớp học nhô được tổ chức vào buổi tối từ 18h30 đến 21h để tạo điều kiện cho học sinh có thể ban ngày đi làm, buổi tối đi học. Chính vì đặc thù như vậy nên học sinh tại lớp khá đa dạng về tuổi tác, người lớn tuổi nhất là 46 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 16 tuổi. Đặc biệt, trong số học sinh theo học tại lớp này có đến gần chục người là cán bộ xã như công an, bưu điện, xã đội… đi học để nâng cao trình độ. Như vợ chồng anh chị Trường Giang, chồng là phó chủ tịch mặt trận xã, vợ là chi hội trưởng phụ nữ xã cũng cùng nhau đi học. Có những gia đình trẻ hai vợ chồng cùng đi học hoặc vài người trong cùng gia đình đi học…

Chị Trần Thị Thu Hương (1989), làm công nhân xưởng mực, chồng làm phụ hồ. Hai vợ chồng đều ham học nhưng gia đình khó khăn nên phải bỏ học giữa chừng. Đến khi thấy “lớp nhô” được tổ chức, cả hai vợ chồng liền đăng ký. Chị Hương làm công nhân làm việc theo ca, có những khi làm ban ngày nhưng cũng có những lúc làm ca sáng từ 3 - 4 giờ sáng đến 5 - 6 giờ chiều nhưng chị vẫn chưa từng nghỉ một buổi học nào. “Mình học để lấy kiến thức và để tìm kiếm thêm cơ hội tương lai của bản thân và cũng có vốn kiến thức để sau này dạy bảo con cái”, chị Hương cho biết.

Nhỏ tuổi gần nhất lớp, Huỳnh Thúy Hà (1998) hiện tại làm việc tại xưởng chế biến hải sản và phụ việc cha mẹ. Học hết lớp 9 đã 2 năm rồi, Hà cũng như nhiều bạn mong muốn được học lên lớp 10 nhưng gia đình không có điều kiện, Nay được đi học lớp này, Hà chưa nghỉ buổi nào và rất chăm chỉ.

Cô giáo Thanh cho biết, vì tuổi tác chênh lệch, nhiều người bỏ học đã lâu, kiến thức nhớ được không nhiều nên cũng khá vất vả, kiên trì để ôn luyện kiến thức cho mọi người. Nhưng tất cả học sinh đến lớp học đều có quyết tâm cao nên hầu hết tiến bộ rất nhanh. “Hiện tại lớp có 35 học sinh, tôi hi vọng sẽ duy trì sĩ số lớp ổn định, không ai nghỉ học đến khi kết thúc chương trình học”, cô giáo Thanh nói.

Quy mô nhỏ hơn, ít dân hơn Thổ Châu, việc học hành của trẻ nhỏ tại Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) hiện còn nhiều khó khăn hơn. Trên đảo không có trường lớp chính thức, chỉ có duy nhất một lớp học tình thương do Thượng úy Trần Bình Phục, đồn biên phòng Hòn Chuối đứng ra giảng dạy các em từ lớp 1 đến lớp 6. Sau nhiều nỗ lực đến nay, học bạ của các em tại lớp thầy Phục đã được chứng thực để các em có thể vào đất liền học tiếp. Khó khăn vất vả nhưng thầy trò trên đảo Hòn Chuối vẫn ngày đêm miệt mài rèn từng con chữ.

Ở trên đảo cũng có những gia đình đã vượt khó, nhà ông bà Phước - Sang, có 4 người con thì có tới 3 người học đại học, chỉ có người con út lo việc nhà và nối nghiệp biển của cha mẹ. Khi khuyến khích con cái học hành, bà con trên đảo Hòn Chuối thường nhắc đến những người con của ông Phước để làm gương. “Cha mẹ cực khổ đến mấy cũng phải cho con cái học hành. Có chữ, có kiến thức mới phát triển và xây dựng quê hương được”, bà Sang cho biết.
Bài và ảnh: Thu Trang
Vững vàng biển trời Tây Nam - Bài 1
Vững vàng biển trời Tây Nam - Bài 1

Vùng biển Tây Nam của nước ta có ranh giới biển tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan... giữ vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân cũng như các chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân vẫn kiên cường bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN